Dấu hiệu rạn nứt tại nhóm nền kinh tế lớn nhất châu Á bắt đầu xuất hiện
Châu Âu mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Châu Âu hiện đang ở vị thế của Mỹ cach đây 3 năm. Đà suy giảm kinh tế chỉ mới bắt đầu. Châu Á sẽ còn khó khăn hơn
- 18-11-2011Các đồng tiền châu Á đồng loạt sụt giá
- 08-11-2011HSBC cảnh báo về khả năng ngân hàng châu Âu rút mạnh tiền khỏi châu Á
- 07-11-2011Giới triệu phú châu Á đua nhau mua vàng
Sự vững vàng của châu Á trước các vấn đề kinh tế tại phương Tây đang giảm dần.
Trong phần lớn năm nay, nền kinh tế của các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dường như không chịu nhiều tác động từ biến động tại nhiều khu vực lớn trên thế giới. TTCK châu Á dù có giảm điểm cùng với TTCK phương Tây, thế nhưng các nền kinh tế trong khu vực vẫn tăng trưởng tốt.
Thế nhưng chỉ trong vài tuần, dấu hiệu “rạn nứt” tại nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực đã bắt đầu xuất hiện, các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách lo lắng về tác động nghiêm trọng mà khủng hoảng tại châu Âu và tình trạng tăng trưởng yếu kém của kinh tế Mỹ đang gây ra với châu Á.
Ông Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại ngân hàng HSBC ở Hồng Kông, nhận xét: “Rủi ro với kinh tế châu Á đã tăng cao khi khủng hoảng châu Âu lan ra ngoài nhóm nước nhỏ như Hy Lạp, tiến sang nước lớn hơn như Italy, Tây Ban Nha và thậm chí cả Pháp.”
“Bức tranh” kinh tế châu Á đã trở nên u ám hơn, chỉ số của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc sụt giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm và rơi vào ngưỡng suy giảm, thấp hơn nhiều so với tính toán của giới chuyên gia.
Sự sụt giảm cho thấy lo lắng về tác động lan tràn từ khủng hoảng tại phương Tây đến châu Á. Tuy nhiên nó cũng cho thấy một hiệu ứng ngược chiều: phương Tây đang thực sự cần đến một châu Á mạnh để mua hàng cho họ khi người tiêu dùng tại châu Âu tiết kiệm chi tiêu. Chỉ sợ rằng mọi chuyện sẽ còn xấu đi nữa trước khi nó tốt hơn.
Ông Pranay Gupta, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại ING Investment Management ở Hồng Kông, phân tích: “Châu Âu mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Châu Âu hiện đang ở vị thế của Mỹ cach đây 3 năm. Đà suy giảm kinh tế chỉ mới bắt đầu.”
Cho đến nay, tăng trưởng kinh tế tại châu Á vẫn khá vững. và phần lớn khu vực vẫn tăng trưởng với tốc độ mà phần lớn các nền kinh tế tại phương Tây chỉ dám mơ ước.
Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 9,5% trong năm 2011; kinh tế Ấn Độ 7,8%; kinh tế Indonexia 6,4%; và nhiều nền kinh tế châu Á khác tăng trưởng hơn 5% (theo ước tính của IMF).
IMF và phần lớn chuyên gia kinh tế chỉ ra tốc độ tăng trưởng trên thấp hơn nhiều so với năm 2010 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2012.
Xuất khẩu từ châu Á đã đi xuống trong nhiều tháng bởi nhu cầu tại châu Âu đặc biệt giảm. Dù nhiều nền kinh tế châu Á nay phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu hơn so với trước đây, lĩnh vực này vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với nhiều nền kinh tế như Đài Loan hay Hàn Quốc hay nhiều nền kinh tế nhỏ, mở cửa như Hồng Kông hay Singapore.
Để ứng phó với tình hình mới khó khăn hơn, Ngân hàng Trung ương Indonexia và Úc đã hạ lãi suất trong những tuần gần đây. Phần lớn các Ngân hàng Trung ương trong khu vực đã trì hoãn nâng lãi suất, điều mà họ từng định làm cách đây chỉ vài tháng, bởi họ bớt lo sợ về lạm phát và lo lắng nhiều hơn về tăng trưởng.
Khi không còn có thể tiếp tục hạ lãi suất xuống thấp hơn được nữa, chính phủ Nhật buộc phải can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ, bán đồng yên đổi lấy đồng USD, đến 4 lần trong hơn 1 năm để cố gắng hạ giá đồng yên, hỗ trợ xuất khẩu.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như HSBC, UBS hay Nomura đang sa thải bớt nhân sự. Dù có muốn tăng trưởng chứ không phải thu hẹp, nhiều trung tâm tài chính tại Hồng Kông và Singapore không thể tránh được tình trạng gần như đóng băng tuyển dụng và sa thải việc làm.
Khi khủng hoảng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đang lan sang cả nhóm nền kinh tế lớn, lo lắng về hậu quả dây chuyền lên châu Á có thể tăng lên. Chuyên gia phân tích sợ rằng các ngân hàng châu Âu có thể hạn chế cho châu Á vay tiền bởi họ phải thực hiện theo quy định vốn mới dự kiến được đưa ra vào năm 2012.
Đình Hảo