Dầu tiếp tục lao dốc, nhiều nước thấm đòn
Dù nêu ra một số nguyên do nhưng thật sự dường như chưa ai hiểu vì sao giá dầu lại xuống liên tục trong mấy ngày qua. Một số quốc gia đã bắt đầu thấm đòn.
- 18-01-2016Giá dầu xuống đáy, Nga đối diện nguy cơ "thủng" ngân sách
- 18-01-2016Châu Á không sợ giá dầu giảm
- 18-01-2016Giá dầu có thể xuống mức 10 USD/thùng
Theo Reuters, kết thúc ngày 15-1, giá dầu trên thị trường New York Nymex tiếp tục giảm ở mức quanh 29 USD/thùng do những mối lo lắng liên quan đến mức tăng trưởng kinh tế thế giới, của Trung Quốc, và đặc biệt là nguồn cung dầu mới từ Iran khi các lệnh cấm vận quốc tế bắt đầu được dỡ bỏ từ ngày 16-1.
Mức giá chốt cuối ngày 15-1 đã xuống đến mức thấp nhất trong 12 năm qua, khiến giá dầu bị giảm đến hơn 20% tính từ đầu năm nay.
Đây cũng được coi là mức giảm sâu nhất trong hai tuần lễ, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tính trong 12 năm qua thì giá dầu đã bị giảm đến 65%.
Cụ thể, dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 2-2016 giảm xuống còn 29,42 USD/thùng, thậm chí có lúc xuống còn 29,13 USD/thùng trong phiên giao dịch trong ngày.
Trong khi đó dầu Brent cũng được chốt giá 28,94 USD/thùng và trong ngày có lúc xuống 28,82 USD/thùng - mức thấp nhất tính từ tháng 2-2004.
"Tại anh" Iran
Một số nhà phân tích cho rằng đợt sụt giá này chưa phải đã chấm dứt. Thực tế là dù lệnh dỡ bỏ cấm vận Iran chưa công bố chính thức nhưng trong thời gian qua Iran vẫn sản xuất 3 triệu thùng mỗi ngày và xuất khẩu được 1 triệu thùng.
Chuyên gia James Williams của Tổ chức WTRG Economics nhận định: “Nếu Iran tham gia thì thị trường sẽ có thêm nửa triệu thùng dầu mỗi ngày. Điều đó phản ánh vì sao giá giảm”.
Đó là chưa kể sau sáu tháng nữa, Iran sẽ tăng xuất khẩu thêm nửa triệu thùng và trong thời gian không lâu sẽ đạt đến mức xuất khẩu 3 triệu thùng/ngày như trước cấm vận. Khách hàng đầu tiên của Iran sẽ là Ấn Độ, sau đó là châu Âu.
Giới phân tích và các ngân hàng lớn cũng đã cắt giảm dự đoán về lộ trình giá dầu năm 2016 mà họ đưa ra trước đó.
“Hiện nay chúng tôi cho rằng giá dầu Brent và WTI sẽ có mức giá trung bình 37 USD/thùng trong năm 2016, giảm từ mức dự đoán 60 USD và 56 USD/thùng mà chúng tôi đưa ra trước đây” - Ngân hàng Barclays nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered đưa ra nhận định có phần gay gắt hơn khi dự đoán giá dầu có khả năng sẽ rớt đến mức 10 USD/thùng nếu tình hình cung và cầu không cải thiện cũng như kinh tế thế giới tiếp tục yếu đi. Tuy nhiên, ông Dan Yergin - chuyên gia về năng lượng và địa chính trị quốc tế của Công ty HIS - cho rằng dầu không thể chạm đáy 10 USD/thùng.
“Lần này không chỉ là vấn đề cung và cầu, giá dầu đang bị các yếu tố liên quan đến địa chính trị và địa kinh tế gây ảnh hưởng” - ông Yergin nhận định.
Lần cuối cùng dầu thô rớt xuống giá 10 USD/thùng là trong khoảng thời gian 1996 và 1998, khi ngành công nghiệp dầu mỏ cạn kiệt nguồn dự trữ.
Hay "tại ả" Trung Quốc?
“Sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc cũng được các chuyên gia nhận định có ảnh hưởng mạnh đến giá dầu. Tình trạng sức khỏe không tốt thì đã được phản ánh qua sự sụt giảm của thị trường chứng khoán nước này trong hai tuần đầu năm mới.
Theo dữ liệu công bố ngày 13-1, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tháng 12-2015 đã chạm mốc 7,82 triệu thùng/ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc một khi quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới này đã trữ đủ các kho dự trữ dầu chiến lược của họ thì cũng khiến giá dầu giảm do nhu cầu chững lại.
Chuyên gia phân tích thị trường của Công ty IG, ông Alexandre Baradez bình luận: “Thị trường đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Khởi đầu là tình hình chứng khoán sụt giảm của Trung Quốc đã đổ dầu vào lửa, dẫn đến giá dầu giảm rồi chứng khoán châu Âu giảm rồi đến chứng khoán Mỹ”.
Dĩ nhiên cũng không ít yếu tố khác được nêu ra như việc Saudi Arabia không chịu giảm mức sản xuất để triệt hạ Iran. Hay như Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak quả quyết nguồn cung của dầu đá phiến Mỹ đã làm thị trường bất ổn.
Và thực tế các nhà đầu tư cũng đã bắt đầu ngán ngại “cơn sốt dầu”. Theo văn phòng nghiên cứu Wood Mackenzie của Scotland, từ năm 2014, các tập đoàn dầu mỏ thế giới đã từ bỏ đến 68 dự án lớn liên quan đến dầu với số tiền đầu tư dự kiến đến 380 tỉ USD.
Wood Mackenzie giải thích rằng các dự án đã bị lùi lại hoặc hủy vì trước đó đã được tính trên giá dầu ở mức hơn 62 USD/thùng.