Đi tìm con đường tăng trưởng bền vững cho Đông Á
Đông Á đang trên đường trở thành khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong năm 2014, nhưng làm sao để biến đổi tăng trưởng kinh tế thành những bước tiến đồng đều của các quốc gia trong toàn khu vực?
Đó là câu hỏi xuyên suốt Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á lần thứ 23 – sự kiện sẽ diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines từ ngày 21 – 23/5. Sự kiện do tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) đứng ra tổ chức.
Ngày thứ 5 (22/5), các phiên thảo luận sẽ tập trung vào những vấn đề giáo dục, kinh doanh và việc làm – ba lĩnh vực gắn bó mật thiết với nhau. Khi ba vấn đề này thiếu đi sự gắn kết, chắc chắn một quốc gia không thể biến tăng trưởng kinh tế thành những việc làm có trình độ cao và bền vững.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang chú ý quá nhiều đến sự cần thiết phải tạo ra việc làm, đặc biệt là việc làm cho giới trẻ. Tuy nhiên, chúng ta lại không quan tâm đến phúc lợi dành cho người lao động: điều kiện làm việc chưa an toàn hay chế độ lương thưởng chưa công bằng. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa ra bàn luận. Những cuộc biểu tình của công nhân tại các nhà máy dệt ở Campuchia diễn ra đúng 1 năm sau thảm họa sập nhà máy ở Bangladesh. Những sự kiện như vậy nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này.
Với sự tham gia của hơn 600 đại biểu từ 30 quốc gia, trong đó có lãnh đạo doanh nghiệp từ 25 ngành, diễn đàn cũng sẽ thảo luận những vấn đề như dịch vụ tài chính, y tế, nông nghiệp, kết nối, doanh nghiệp xã hội và dân quyền.
Đây là lần đầu tiên sự kiện diễn ra ở Philippines – quốc gia đã chuyển mình mạnh mẽ trong những năm gần đây sau nhiều năm bỏ lỡ nhiều hứa hẹn. Tất cả các chỉ số đều cho thấy Philippines sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 ở châu Á trong năm 2014 (chỉ đứng sau Trung Quốc) và đến năm 2020 sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới. Sự kiên cường của người dân cũng như nền kinh tế khi đối mặt với những thảm họa như siêu bão Yolanda hay Haiyan đã được cả thế giới biết đến và thực sự gây ấn tượng.
Chính sách quản trị tốt và minh bạch của Philippines có thể được coi là tấm gương sáng cho khu vực. Philippines cũng nổi lên là quốc gia có nhiều tiến bộ nhất trong bản báo cáo về môi trường kinh doanh mới nhất của WEF. 9 tháng đầu năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 33% so với 1 năm trước. Tất cả các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu cũng đã nâng xếp hạng của đất nước này lên “đáng đầu tư”.
Philippines cũng là một ví dụ tốt về bình đẳng giới, xếp thứ 5 thế giới trong báo cáo Bình đẳng giới toàn cầu mới nhất. Đây là quốc gia châu Á duy nhất nằm trong top 10.
Cùng với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Tổng thống Aquino của Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo của ba nước đông dân nhất và tăng trưởng nhanh nhất của khu vực tham dự diễn đàn.
Đông Á không phải là không phải chịu những rủi ro trong tương lai. Ví dụ, căng thẳng địa chính trị gần đây là vấn đề nổi cộm và cũng sẽ trở thành chủ đề của một phiên thảo luận có sự tham gia của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ Samuel J. Locklear. Tuy nhiên, câu chuyện chủ chốt vẫn là cơ hội và sứ mệnh cải thiện hiện trạng thế giới – nền tảng tạo nên tăng trưởng mạnh mẽ hơn và sau đó là tạo nên tiến bộ đồng đều cho tất cả các quốc gia.
Thu Hương