Đích nào cho cuộc chơi của Putin ở Ukraina?
Lãnh đạo phương Tây mạnh tay hơn trong cấm vận, nhưng Vladimir Putin không hề có dấu hiệu lui gót.
Vậy, đích đến cuối cùng của ông trong cuộc chơi này là gì?
"Ông ấy có rất nhiều chọn lựa ở đây, và đang thử với chúng”, tướng Mỹ về hưu Wesley Clark nói. “Ông ấy giống như một người có trong tay cả chùm chìa khóa, và đang thử chiếc nào hợp lý để mở được cánh cửa”.
Và hãy nhìn vào một số mục tiêu dưới đây mà Putin có thể đang nghĩ tới:
Củng cố ủng hộ trong nước
Putin có thể không giành được nhiều điểm ủng hộ ở nước ngoài. Các lãnh đạo phương Tây chỉ trích Nga đứng sau quân nổi dậy ở Ukraina và đổ thêm dầu vào bạo lực nơi đây. Kremlin thì bác bỏ cáo buộc.
Nhưng thậm chí ngay cả lúc ông phải đối mặt với các chỉ trích ngày càng lớn ở nước ngoài, thì mọi thứ diễn ra hoàn toàn khác biệt tại Nga. Tỉ lệ ủng hộ Putin tăng vọt, phóng viên CNN Elise Labott cho biết.
"Tỉ lệ tín nhiệm của ông không được cao như vậy khi Nga có cuộc chiến với Grudia năm 2008”, Labott nói.
Nắm giữ lãnh thổ
Đây là kịch bản mà những người chỉ trích dữ dội nhất với Putin đưa ra. Họ chỉ ra việc Nga đã sáp nhập Crưm hồi tháng 3. Trong khi Nga khẳng định việc sáp nhập phản ứng chính đáng ý nguyện của người dân thì phương Tây coi đó là sự vi phạm chủ quyền của Ukraina.
NATO tuần này đã cảnh báo rằng, Nga có thể sử dụng “lý do sứ mệnh nhân đạo, gìn giữ hòa bình như một cái cớ để đưa quân vào miền đông Ukraina”. "Chúng tôi không dự đoán những gì Nga suy tính, nhưng chúng tôi có thể nhìn thấy những gì Nga đang làm - và đó là lo lắng lớn”, người phát ngôn NATO Oana Lungescu nói.
Theo tướng Clark - cựu chỉ huy NATO, mặc dù Putin không thể hiện rõ quyết tâm sẽ tiến hành những bước tiếp theo thế nào nhưng rõ ràng ông đang để mắt đến miền đông Ukraina. "Ông ấy đang xây dựng khả năng của mình để can thiệp”, Clark nói.
Bảo vệ nước Nga
Nhiều nhà phân tích khác lập luận, Putin có thể có mục tiêu khác trong suy tính nếu ông điều quân đến Ukraina. Đó là bảo vệ đất nước mình.
Đó là sự thật mà Putin đang cân nhắc can thiệp, Stephen Cohen - giáo sư nghiên cứu Nga tại Đại học Princeton và Đại học New York nói. "Ông ấy được cố vấn rằng, đây không phải là một cuộc chiến của Ukraina, mà là cuộc chiến cho nước Nga. Những thành phố bị quân đội Ukraina tấn công rất gần Nga”, Cohen phân tích. "Ông ấy được nghe rằng, nếu mất các thành phố ấy, thì ngày mai sẽ phải chiến đấu ở chính nước Nga".
Alexander Nekrassov, cựu cố vấn Kremlin, đã đưa ra nhận định tương tự hồi tháng 3. "Nếu Ukraina rơi vào khủng hoảng và hỗn loạn, thì mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Putin trở nên rõ ràng”, ông viết. "Ông ấy cần làm mọi thứ có thể trong tầm tay để ngăn chặn Ukraina trở thành một Iraq thứ hai, với khả năng xảy ra nội chiến và bạo lực lan tới nước Nga”.
Với Ukraina
Putin cũng có thể có ý định khiến cho mọi thứ trở nên hỗn loạn ở quốc gia lân cận? - phóng viên Labott đặt vấn đề. "Trong nhiều năm qua, Putin có mục tiêu chiến lược là giữ không để Ukraina gia nhập EU và NATO”, bà nói.
Tuy nhiên, với việc cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych - đồng minh thân cận của Nga - bị lật đổ hồi tháng 2, nỗ lực của Putin trở nên khó khăn hơn.
"Một cách để khiến Ukraina khó gia nhập phương Tây là khiến họ trở nên bất ổn”, Labott nhấn mạnh.
Gia tăng ảnh hưởng của Nga
Nga đã chi hàng tỉ USD những năm gần đây để xây dựng kho khí tài, đội tàu chiến, máy bay quân sự, trực thăng cùng kho hạt nhân vào loại lớn nhất thế giới, Jim Sciutto của CNN nói.
Giờ đây là những thông tin về việc quân đội ở gần biên giới Ukraina và những cuộc tập trận quy mô lớn.
Vậy “điểm nhấn” của tất cả sự phô diễn sức mạnh này là gì?
"Có một cách nhìn ở Nga là thế giới đang bắt đầu “xem trọng” trở lại nước này. Nước Nga sau nhiều năm đã tụt hậu với phương Tây trong lĩnh vực quân sự. Và đó là vấn đề mà lãnh đạo Nga muốn hiệu chỉnh”, Sciutto - phóng viên phụ trách an ninh quốc gia của CNN nói.
Theo Sciutto, trong tâm là những gì mà Nga gọi là “nước ngoài lân cận” kiểu như Ukraina. "Nga muốn mở rộng, tái khẳng định ảnh hưởng của mình”, Sciutto nhận định.
Theo Thái An