MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì ở Đức đang chờ những người tị nạn?

08-09-2015 - 10:07 AM | Tài chính quốc tế

Cứ 10 người đến được “thiên đường” Đức, 7 người có thể sẽ bị trục xuất trở lại “địa ngục”...

Monther vẫn nhớ như in từng giây phút trên con đường chạy nạn đến nước Đức. Một ngày nọ khi đang lái xe về nhà, anh bị một nhóm phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chặn xe.

Họ cáo buộc chị gái anh đã không tuân thủ đúng các quy định về trang phục đối với phụ nữ Hồi giáo. Giải thích qua lại mãi không được, Monther nói lớn: “Đạo Hồi không đối xử với phụ nữ theo cách mà các anh đang làm.” Anh đã bị chúng lôi ra và tát cho 50 cái đến chảy máu mồm.

Bài viết trên tờ IB Times cho hay, cuộc chiến Syria đã lấy đi của Monther khá nhiều. Bom đạn phá tan cửa hàng điện thoại di động của anh. Thế rồi 6 tháng sau đó, khá nhiều thành viên trong gia đình anh bị thương vì bom đạn.

Người dân Syria như anh cùng lúc phải đối đầu với hiểm họa bị giết hại từ cả hai phía: chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tổ chức IS.

Để đến được nước Đức, Monther đã phải lao mình qua những ngôi làng cháy đen với hàng trăm phiến quân IS chờ chực khắp nơi để tiêu diệt những kẻ không nghe lời. 4 triệu người Syria đã rời đất nước từ khi cuộc nội chiến bắt đầu 4 năm trước đây.

Việc chính phủ các nước phương Tây cũng như các nước láng giềng hùng mạnh của Syria không thể tìm được tiếng nói chung về việc sẽ đánh sập chính quyền của Tổng thống Assad hay tiêu diệt IS trước, đã khiến người dân Syria chìm sâu trong “bể máu”.

Rủi ro trục xuất

Đối với gần như tất cả người tị nạn Syria, nước Đức có thể coi như thiên đường, nơi họ không còn phải lo sợ về việc sẽ mất đi sinh mạng bất kỳ lúc nào, nơi họ được hưởng chế độ an sinh xã hội thuộc loại tốt nhất châu Âu và quan trọng hơn, họ tin rằng nước Đức đang mở cửa chào đón họ.

Nếu nhìn từ bên ngoài, ai cũng sẽ nghĩ rằng người nhập cư thực sự được nước Đức chào đón, tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy.

Theo IB Times, Bộ Lao động Đức đã công bố với dự kiến khoảng 800.000 đơn xin tị nạn, sẽ chỉ có khoảng 35 - 45% người nộp đơn được chấp thuận ở lại Đức, số còn lại sẽ bị trục xuất.

Như vậy có nghĩa là cứ 10 người đến Đức, tối đa chỉ có khoảng 4 người được ở lại, 6 người sẽ buộc phải rời Đức ngay khi quá trình xét duyệt hồ sơ kết thúc.

Sẽ có hàng trăm, thậm chí có thể lên đến hàng triệu người sẽ bị đẩy khỏi “thiên đường” nước Đức nơi mà họ phải mất nhiều tháng trời, đánh đổi cả tính mạng để đến được.

Sau khi đến được Đức, những người nhập cư như Monther sẽ phải gia nhập hàng dài dằng dặc người chờ cấp phép tị nạn. Mỗi người sẽ được cấp một cái số có tên của họ và họ phải chờ và chẳng ai biết họ sẽ phải trở vài tuần hay vài tháng trước cửa Cơ quan Y tế và các vấn đề xã hội Đức (LaSeGo).

Trước cửa cơ quan này những ngày gần đây là hàng người dài đến hàng km, có nhiều người chờ lâu vì quá mệt và đói đã ngủ luôn trên đường dưới mưa nắng. Toàn bộ lời khai khi xin tị nạn sẽ được lưu lại bằng văn bản và nội dung đó sẽ được đưa vào quá trình xét duyệt cấp giấy phép tị nạn.

Có những người tình nguyện cung cấp thức ăn, đồ uống cho người tị nạn, nhưng khi người tị nạn đến quá đông, họ cũng không thể làm xuể hết việc, thế nên việc chịu đói hay không có chỗ trú chân vẫn diễn ra.

Trong nhóm được chấp thuận tị nạn, những người đến từ các quốc gia an toàn như Serbia, Macedonia hay Bosnia-Herzegovina chắc chắn bị trục xuất trong vòng một năm.

Trường hợp của Syria có phần đặc biệt hơn bởi nội chiến đã kéo dài, thế nhưng họ cũng chỉ được cấp phép 3 năm, sau đó nếu tình hình chiến sự ở Syria vẫn tiếp diễn, họ sẽ được xem xét để cấp phép lưu trú thêm.

Cực khó kiếm việc

Đối với bất kỳ người tị nạn nào đến Đức, họ đều có mong muốn tự nhiên là tìm việc để có tiền. Bà mẹ 35 tuổi người Syria có tên Nahla cũng như vậy, khi chỉ muốn nhanh chóng được làm bất kỳ việc gì đó để có tiền trang trải cuộc sống cho đứa con gái nhỏ 2 tuổi.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế.

Theo quy định hiện hành của Đức, người tị nạn chỉ được phép làm việc sau 3 tháng nhận được giấy phép tị nạn. Và để kiếm được việc làm, dù chỉ là việc phổ thông, họ cũng phải biết tiếng Đức.

Dù có sự hỗ trợ về chương trình học tiếng từ Chính phủ Đức, nhưng cũng sẽ phải mất nhiều tháng để họ có đủ vốn ngoại ngữ đảm bảo cho công việc.

Để tìm được việc cũng không dễ dàng, bởi các ông chủ không muốn tuyển dụng những ai có hạn visa quá ngắn. Pháp luật cũng không cho phép người chủ tuyển người tị nạn nếu không chứng minh được rằng họ không thể tuyển dụng được người Đức hay người có quốc tịch châu Âu vào vị trí đó.

Và trong công việc, họ sẽ không tránh khỏi khả năng bị phân biệt đối xử.

Tư tưởng bài ngoại

Theo báo The Local và DPA của Đức, vào tháng 5/2015, trong hội nghị của Liên hợp quốc về chống phân biệt sắc tộc, ông Almut Wittling-Vogel, đại diện phụ trách vấn đề quyền con người tại Bộ Tư pháp Đức, đã lên tiếng: “Tình trạng phân biệt sắc tộc và định kiến đã xảy ra ở mọi nơi trong xã hội Đức.”

Gần như 100% người Syria là người đạo Hồi, nên yếu tố tôn giáo sẽ là một trở ngại không nhỏ ngăn trở họ hòa nhập vào xã hội Đức. Bởi tình trạng phân biệt sắc tộc, tôn giáo, đặc biệt là tâm lý không thích đạo Hồi ở Đức đang trở nên căng thẳng hơn.

Ở Đức thậm chí còn có nhiều nhóm hoạt động chống người theo đạo Hồi, nổi bật nhất phải kể đến nhóm “Những người châu Âu yêu nước chống lại xu thế Hồi giáo hóa phương Tây”.

Những nhóm cực đoan này hay tấn công vào các nhóm thiểu số, người tị nạn và nơi ở của họ.

Kênh tin tức Alzazeera nổi tiếng của khu vực Trung Đông hôm 20/8 vừa qua thống kê rằng, chỉ riêng trong nửa đầu năm 2015, các băng nhóm bài ngoại ở Đức đã tiến hành 150 cuộc tấn công vào trại của người tị nạn. Đặc biệt, đã có cuộc đụng độ giữa băng nhóm cực đoan và cảnh sát kéo dài đến hai ngày trong vụ tấn công vào trại tị nạnở thị trấn gần Dresden, Đức.

Sau vụ việc trên, Bộ trưởng Nội vụ Đức nói: “Thực tế cho thấy rằng khi người tị nạn đến ngày một đông, một bộ phận trong xã hội chào đón và giúp đỡ họ, nhưng số lượng những người thù ghét họ đến mức gây ra bạo loạn và tấn công cũng ngày một tăng lên”.

Theo NGỌC DIỆP

VnEconomy

Trở lên trên