MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều kỳ lạ ở nhà máy mới của Airbus

18-09-2015 - 10:34 AM | Tài chính quốc tế

Việc Airbus tập trung lắp ráp loại máy bay dân dụng cỡ lớn A320 tại Mỹ cho thấy sự phục hưng của ngành sản xuất ở Mỹ đang diễn ra.

Airbus - một trong những nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới và cũng là đối tác bán rất nhiều máy bay cho các hãng hàng không Mỹ - hôm 14/9 đã khánh thành nhà máy sản xuất máy bay đầu tiên tại Mỹ sau gần 3 năm xây dựng. Airbus muốn đưa thị phần của hãng này tại đây từ con số 20% lên mức 40%.

Nhà máy mới được đầu tư 600 triệu USD, tọa lạc tại thành phố cảng phía Nam Mobile, bang Alabama trên Vịnh Mexico và sẽ chuyên lắp ráp loại máy bay A320. Đây là nhà máy thứ 2 của Airbus đặt bên ngoài lãnh thổ châu Âu sau Trung Quốc.

Việc Airbus tập trung lắp ráp loại máy bay dân dụng cỡ lớn A320 tại đây cho thấy sự phục hưng của ngành sản xuất ở Mỹ đang diễn ra.

Trước đó, Airbus đã chê bai Boeing (hãng máy bay lớn nhất của Mỹ - đối thủ cạnh tranh chính với Airbus trên thế giới) khi mà Boeing hôm 12/9 phát đi thông cáo cho biết đang nghiên cứu việc xây dựng một nhà máy lắp ráp máy bay Boeing 737 ở Trung Quốc. Theo Boeing, nhà máy này chỉ là nhà máy lắp ráp hoàn thiện bên ngoài cơ sở sản xuất chính ở bang Seattle, Mỹ, nhưng đây cũng vẫn là một bước tiến lớn.

Dù ngược chiều, các động thái này của Airbus và Boeing cùng có một mục đích chung: mang sản phẩm tới gần khách hàng.

Những công ty lớn khác cũng đã và đang làm những điều tương tự - dịch chuyển khâu hoàn thiện sản phẩm tới gần khách hàng hơn. Một cuộc khảo sát mới được AlixPartner thực hiện trên các công ty sản xuất và phân phối tại Bắc Mỹ và Tây Âu cho thấy 32% trong số các công ty đã đi theo xu hướng này. 48% cho biết kế hoạch dịch chuyển sẽ được triển khai trong vòng 1 đến 3 năm tới.

Đây là một sự chuyển hướng lớn so với một thập kỷ trước, thời điểm mà gần như mọi chuỗi cung ứng toàn cầu đều chuyển tới Trung Quốc. Nhưng bây giờ các nhà sản xuất đang hướng tới các thị trường mục tiêu hơn, điều này thậm chí có thể giúp giải thích phần nào sự chậm lại trong ngành sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc. Đó là nhận định được giáo sư David Simchi-Levi chuyên nghiên cứu về chuỗi cung ứng tại Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ đúc kết.

Simchi-Levi đã đưa ra 4 giải thích chính cho sự thay đổi này:

1) Giá dầu: Giá dầu đã và đang giảm khá mạnh, tuy nhiên mức tăng đột biến của giá dầu từ năm 2004 (tương đương mức giá hiện tại) lên đỉnh năm 2008, đã nhắc nhở các nhà sản xuất rằng việc vận chuyển hàng hóa đi xa, khắp thế giới sẽ khá tốn kém vì không thể lường trước được giá nguyên liệu, vận tải.

2) Chi phí lao động: Trong vài năm qua, chi phí lao động tại Trung Quốc (công xưởng của thế giới) đã tăng ở mức 20% hàng năm, trong khi ở Mỹ và Mexico chi phí lao động chỉ tăng tương ứng ở mức 3% và 5% hàng năm.

3) Tự động hóa: Việc áp dụng công nghệ tự động hóa - Robot vào các sản xuất đang dần thay thế lao động con người trong nhiều công đoạn.

4) Rủi ro: Khi chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất trải rộng khắp thế giới, thì rủi ro trong quản lý chất lượng sản phẩm sẽ tăng cao.

AlixPartner đưa ra một vài lý do khác: “Các công ty dịch chuyển sản xuất của họ tới gần các thị trường tiêu thụ hơn để hạ thấp chi phí vận tải hàng hóa, rút ngắn thời gian đưa hàng hóa vào thị trường và nâng cao khả năng phục vụ khách hàng”.

Bởi vì Mỹ là một thị trường lớn, nên có nhiều nhà sản xuất sẽ chuyển sản xuất trực tiếp vào Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là có thể kéo theo sự trở lại của những công việc liên quan tới công nghiệp sản xuất.

Qua ví dụ này cũng có thể thấy mối liên kết giữa năng suất và sản xuất, nhân công và tiền lương đang tăng chậm. Do sự tự động hóa đang gia tăng như Simchi-Levi đã nêu, các nhà sản xuất giảm lượng nhân công mà vẫn tăng năng suất. Có thể thấy rõ điều này qua sự hồi sinh của ngành công nghiệp dệt may tại miền Nam nước Mỹ.

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên