MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lo lấy lại niềm tin

22-01-2014 - 21:53 PM | Tài chính quốc tế

5 năm qua, lòng tin vào các giới kinh doanh trên toàn thế giới đã bị xói mòn. Phiên thảo luận này hướng tới mục đích thảo luận những giải pháp làm thế nào để lấy lại niềm tin vào giới kinh doanh, doanh nhân.

Hôm nay (22/1), Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã chính thức khai mạc. Mở đầu cho 250 phiên thảo luận với sự tham gia của 2.500 đại biểu đến từ 100 quốc gia khác nhau là phiên thảo luận mang tên "Doing Business the Right Way" (tạm dịch: Làm kinh doanh đúng cách). 

Trong 5 năm qua, lòng tin vào các giới kinh doanh trên toàn thế giới đã bị xói mòn. Do đó, phiên thảo luận này hướng tới mục đích thảo luận những giải pháp làm thế nào để lấy lại niềm tin vào giới kinh doanh, doanh nhân. 

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận này bao gồm Indra Nooyi (Chủ tịch kiêm CEO của PepsiCo, USD - thành viên trong hội đồng sáng lập của WEF), Richard Goyder (CEO kiêm giám đốc điều hành của Wesfarmers - Australia), Dennis Nally (Chủ tịch của PricewaterhouseCoopers International), Feike Sijbesma (CEO kiêm Chủ tịch HĐQT của Royal DSM - Hà Lan) và Aron Cramer (Chủ tịch kiêm CEO của BSR - Mỹ).

Niềm tin lúc nào cũng thiếu 

Phiên thảo luận bắt đầu bằng kết quả khảo sát trên 1.344 CEO trên toàn thế giới được thực hiện bởi PWC. Đợt khảo sát này cho thấy lúc nào niềm tin vào các doanh nghiệp cũng ở mức thấp và thậm chí còn có xu hướng suy giảm. Các CEO trên toàn thế giới thừa nhận có rất nhiều vấn đề: ai chịu trách nhiệm về khủng hoảng, mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và lao động … nhưng thiếu niềm tin là lo ngại nhất.  Do đó, đã đến lúc lấy lại niềm tin vào các doanh nghiệp. 

Maria Bartiromo, biên tập viên mảng kinh tế của hãng tin FOX đã đặt ra câu hỏi được rất nhiều doanh nghiệp hiện nay quan tâm. Đó là việc làm sao để phát triển doanh nghiệp đúng hướng thông qua việc xây dựng lòng tin với khách hàng, với các cổ đông và toàn xã hội?

Theo bà Indra, doanh nghiệp hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp giúp tạo ra các việc làm, vực lại các nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì vậy, đặt niềm tin vào các doanh nghiệp là việc hết sức cần thiết. Trong quá khứ, các doanh nghiệp là một phần trong các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính. Nhưng hiện nay, họ ngược lại là các nhân tố thúc đẩy nền kinh tế. Các chính phủ cần chú ý rằng khoảng 90% các doanh nghiệp đang hoạt động đúng hướng, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Câu hỏi của doanh nghiệp

Trở lại vấn đề xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp ngài Feike Sijbesma đưa ra câu hỏi, mục đích cuối cùng của doanh nghiệp là thu được lợi nhuận, phát triển kinh tế, hay là hướng đến xây dựng một xã hội tốt hơn, cho hơn 9 tỷ dân trên thế giới? 

Bà Indra đưa ra ý kiến, việc các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội (CSR) không còn dựa vào câu hỏi:”Chúng ta sử dụng số tiền kiếm ra như thế nào?” mà phải tập trung vào câu hỏi:”Chúng ta kiếm tiền như thế nào?”  Bà cũng nêu thêm giải pháp để xây dựng niềm tin doanh nghiệp bằng cách thay đổi tư duy giáo dục ngay từ các trường dạy kinh doanh. Trước  đây, các sinh viên MBAs được dạy cách làm sao kiếm tiền bằng mọi cách. Hiện nay, các sinh viên cần có thêm nhận thức về việc có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội cũng không kém phần quan trọng so với việc tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Các vị khách mời cũng cho rằng các phương tiện truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng lòng tin doanh nghiệp. Truyền thông giúp doanh nghiệp công bố tình trạng công ty một cách chân thực và chính xác nhất, tránh khỏi danh tiếng xấu và giúp khách hàng thêm tin tưởng vào phương thức phát triển bền vững mà doanh nghiệp đang hướng tới.

Câu chuyện từ chính tập đoàn Pepsi được chia sẻ. Hai năm trước, rất nhiều người đặt ra câu hỏi khi bà từng bước thay đổi chiến lược phát triển của công ty theo hướng phát triển bền vững và lâu dài. Lúc đó, các phương tiện truyền thông cho rằng Pepsi chỉ nên tập trung vào việc bán được nhiều nước giải khát càng tốt và các nhà đầu tư thì lo lắng về mức lợi nhuận của họ. Đến nay, các nhà đầu tư lại ước rằng sao Pepsi không thực hiện những thay đổi đó sớm hơn, các phương tiện truyền thông bắt đầu nhận ra xu hướng mới của phát triển doanh nghiệp và đánh giá cao sự chuyển biến hợp thời của Pepsi.

Coi trọng lợi ích lâu dài

Trong khi các doanh nghiệp tập trung phát triển những chiến lược phát triển bền vững để đạt được lợi ích dài lâu, các đại biểu cổ đông lại quan tâm đến những lợi nhuận ngắn hạn, cụ thể là số tiền mà họ được trả hàng năm, hàng quý. 

Nhận thức được vấn đề này, các doanh nghiệp càng cần cố gắng xây dựng lòng tin từ ngay trong chính doanh nghiệp, từ phía các cổ đông. Nếu có được sự đồng thuận của toàn bộ thành viên, công ty có thể dễ dàng phát triển, ngược lại việc đánh mất lòng tin có thể gây ra tình trạng hỗn loạn nội bộ.

Do đó, giải pháp ở đây là đảm bảo các nguồn tài chính sử dụng có hiệu quả, việc xây dựng danh tiếng tốt cho công ty thông qua tạo ra nhiều việc làm, và có các đóng góp tích cực cho xã hội.

Phương Thảo

huongnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên