Độc đáo dịch vụ tài chính Hồi giáo
Các sản phẩm tài chính phục vụ người Hồi giáo đang bùng nổ mạnh mẽ trong mấy thập kỷ gần đây.
- 08-08-2012Ngân hàng hồi giáo: Một mô hình độc
- 13-05-2009Mô hình tài chính Hồi giáo có phải là giải pháp?
Không được phép có lãi suất trong các giao dịch ngân hàng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất đối với các ngân hàng Hồi giáo. Điều này nghe có vẻ trái với lẽ thông thường và khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Hồi giáo. Tuy nhiên, những người tham dự Diễn đàn tài chính Hồi giáo toàn cầu (Global Islamic Financial Forum) đều nhận thấy rằng các ngân hàng Hồi giáo đang bùng nổ dựa trên chính lời răn dạy này.
Theo ước tính của hãng kiểm toán Ernst & Young, trong thời kỳ từ năm 2009 đến 2013, tài sản của các ngân hàng Hồi giáo đã tăng trưởng với tốc độ trung bình năm lên tới 17,6%. Con số được dự đoán sẽ ở mức 19,7% mỗi năm từ nay cho tới 2018. Khalid Howladar – chuyên gia đến từ tổ chức xếp hạng Moody’s – thì cho rằng 2014 là một năm bản lề đánh dấu sự phát triển của ngành tài chính trong thế giới Hồi giáo.
Ở Saudi Arabia, tài sản của các ngân hàng Hồi giáo chiếm tới gần một nửa tổng tài sản của tất cả các ngân hàng. Howladar cho biết các chủ tài khoản người Hồi giáo dường như có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm và dịch vụ thay vì sharia (luật hành vi của Hồi giáo). Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tài chính Hồi giáo đã phát triển đến mức đủ phức tạp để đáp ứng được cả hai nhu cầu.
Mặc dù các quy tắc đối với ngành tài chính trong Đạo hồi đã có từ lâu đời, đến giữa những năm 1970, các ngân hàng hiện đại mới bắt đầu cung cấp các sản phẩm có gắn những điều khoản tuân theo sharia.
Kể từ đó đến nay, ngành tài chính phục vụ dân theo Đạo hồi đã tăng trưởng nhanh như vũ bão với tổng tài sản lên tới 2.000 tỷ USD. Phần lớn trong số này (khoảng gần 80%, theo NHTW Malaysia) thuộc về các ngân hàng Hồi giáo hoặc các chi nhánh Hồi giáo của những ngân hàng thông thường. Phần còn lại ở dưới dạng susuk (tương đương với trái phiếu – chiếm 15%), các quỹ đầu tư Hồi giáo (chiếm 4%) và takaful (tương đương với các sản phẩm bảo hiểm – chiếm 1%). Năm 2012, Iran chiếm 43% tài sản của các ngân hàng Hồi giáo trên toàn cầu. Đứng thứ hai và thứ ba là Saudi Arbia (12%) và Malaysia (10%).
Nhu cầu tăng cao dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sản phẩm có gắn những điều khoản tuân theo sharia. Các sản phẩm này gồm rất nhiều loại, nhưng không loại nào có lãi suất hoặc đầu tư vào những thứ bị cấm (gồm đồ uống có cồn, thịt lợn, cờ bạc và sản phẩm khiêu dâm). Ví dụ, trong một khoản nợ thế chấp theo kiểu Hồi giáo, ngân hàng không cho một cá nhân vay tiền để mua tài sản. Ngân hàng tự mua tài sản và sau đó khách hàng có thể mua lại với giá cao hơn. Phương thức thanh toán có thể là từng phần (murabahah) hoặc trả hàng tháng và thuê tài sản đó cho đến khi đã trả hết số tiền.
Tương tự như vậy, về mặt kỹ thuật, người nắm giữ susuk cũng không cho người phát hành trái phiếu vay tiền. Thay vào đó, anh ta sở hữu một phần danh nghĩa của thứ mà số tiền đó được tiêu vào. Khi trái phiếu đó đáo hạn, người phát hành trả lại gốc cho nhà đầu tư bằng cách mua phần sở hữu của anh ta đối với tài sản.
Năm 2001, NHTW Bahrain lần đầu tiên phát hành trái phiếu chính phủ dưới dạng susuk. Từ 2002 đến 2012, khối lượng phát hành hàng năm có tốc độ tăng trưởng trung bình 35%, từ 4 tỷ USD lên 83 tỷ USD. Hầu hết các trái phiếu này được niêm yết bằng đồng nội tệ của nước phát hành và nhắm đến khách hàng là nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, susuk ngày càng thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế với tỷ trọng tăng từ 10% trong năm 2010 lên 20% trong năm 2014. Tháng 6 vừa qua, Anh trở thành nước phương Tây đầu tiên phát hành susuk. Mặc dù khối lượng phát hành chỉ là 200 triệu bảng, cá lệnh đặt mua có giá trị lên tới 2,3 tỷ bảng.
Các doanh nghiệp phương Tây cũng bắt đầu sử dụng susuk để huy động vốn. Hai ngân hàng Société Générale (Pháp) và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (Nhật) cũng phát hành susuk trong khi có tin Goldman Sachs đã phát hành khối lượng trị giá 500 triệu USD.
Mặc dù các sản phẩm tài chính Hồi giáo đã tăng trưởng mạnh mẽ, vẫn còn dư địa để chúng phát triển hơn nữa. Như trường hợp của Anh, nhu cầu về susuk là rất lớn. Hồng Kông và Nam Phi đang có kế hoạch phát hành trong khi Luxembourg, Nga, Australia, Philippines và Hàn Quốc cũng tỏ ra có hứng thú.
Tuy nhiên, cũng không phải là không có rắc rối. Trước đây Goldman từng bị cho là không tuân theo sharia trong khi Indonesia phải thu hẹp quy mô phát hành vì lý do tương tự.
Các tranh cãi này cho thấy các hoạt động tài chính liên quan đến Hồi giáo cần phải được chuẩn hóa cũng như cần có cơ quan quản lý tương tự như Ủy ban Basel dành cho các ngân hàng thông thường.
Thu Hương