MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Donald Tyson đã xây dựng đế chế thực phẩm hàng đầu thế giới như thế nào?

19-02-2011 - 09:58 AM | Tài chính quốc tế

Trong quá trình xây dựng cơ nghiệp của mình, ông thay đổi cách ăn của người Mỹ cũng như cả thế giới. Đóng góp của ông có giá trị bền vững với toàn ngành thực phẩm thế giới.

Ông Donald J. Tyson, cựu chủ tịch kiêm CEO của Tyson foods, đã qua đời vào tháng 1/2011 do bệnh ung thư ở tuổi 80. Tuy nhiên ngành thực phẩm thế giới sẽ không bao giờ quên được đóng góp có giá trị bền vững của ông.

Nổi tiếng với trang phục xuềnh xoàng, bề ngoài của ông trông có phần hơi dữ dằn. Trong 43 năm tại Tyson Foods, ông đã biến một công ty kinh doanh gà nhỏ thành công ty cung cấp thịt gia cầm lớn nhất thế giới. Và trong quá trình xây dựng cơ nghiệp của mình, ông thay đổi cách ăn của người Mỹ cũng như cả thế giới.

Cha của ông Tyson, ông John W. Tyson, khởi nghiệp với công việc vận chuyển hàng: ông đơn giản chuyển gà từ người nông dân ra thị trường. Không lâu sau đó, ông mở trang trại ấp trứng của riêng cũng như nhà máy cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Năm 1952, khi công việc kinh doanh của gia đình đang tăng trưởng tốt, Donald J. Tyson, khi đó đang học năm cuối tại đại học University of Arkansas tạm thời nghỉ học để giúp quản lý công việc kinh doanh của gia đình. Và ông đã không bao giờ trở lại trường học.

5 năm sau đó, gia đình Tyson xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm đầu tiên và bắt đầu mua lại các công ty đối thủ, quá trình này được tiếp tục dười thời kỳ lãnh đạo của Don Tyson.

Vụ mua lại nổi tiếng nhất của Don Tyson được thực hiện vào năm 1989, khi đó Don Tyson thâu tóm Holly Farms để trở thành công ty cung cấp thịt gia cầm lớn nhất thế giới.

Từ năm 1967 khi ông trở thành CEO sau khi cha mẹ qua đời trong một vụ tai nạn tàu hỏa, cho đến năm 1995 khi ông từ chức chủ tịch, ông đã mua lại nhiều công ty thực phẩm khác.

Không ngừng đổi mới

Dù việc thâu tóm đối thủ giúp Tyson giàu có hơn, ông cũng là người không ngừng đổi mới. Hiện nay dù thị trường còn đặt dấu hỏi về vai trò của công ty trong việc tạo ra sản phẩm gà Rock Cornish Game Hens thế nhưng không ai có thể nghi ngờ về nguồn lợi khổng lồ mà Tyson có được từ hoạt động kinh doanh loại gà 5,6 tuần tuổi này. Loại gà này nhanh lớn, có thể bán được với giá cao và ăn ngon, 3 yếu tố giúp lợi nhuận của công ty tăng mạnh.

Dù sản phẩm gà Cornish game có thể là bước đột phá mạnh mẽ nhất của Tyson, việc công ty không ngừng đơn giản hóa hoạt động sản xuất thực phẩm cũng đóng góp quan trọng giúp doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh trong suốt thời kỳ ông Don Tyson lãnh dạo.

Đầu thập niên 1980 khi McDonald đưa ra thị trường sản phẩm gà McNuggets, Tyson thực tế cũng đang sản phẩm của riêng mình. Tyson trở thành công ty cung cấp gà lớn nhất cho gần như tất cả các hãng đồ ăn nhanh.

Sáng tạo của Tyson đã đến được với mọi gia đình Mỹ. Với quan điểm người tiêu dùng càng tiện dụng, doanh số bán hàng càng cao, công ty tung ra hàng loạt sản phẩm gà đã qua chế biến, từ gà thái miếng nấu sẵn cho đến gà bọc bột rán. Thập niên 1990, Tyson còn thử nghiệm với bánh sandwich nhân mề gà và thịt bò. Tuy nhiêu sau thời gian thử nghiệm, loại bánh trên đã bị ngừng sản xuất.

Chuỗi dài những vụ việc pháp lý rắc rối

Trong suốt 28 năm điều hành công ty, Don Tyson thường liên quan đến nhiều vụ việc pháp lý. Thập niên 1990, ông khiến mọi người choáng váng bằng việc đưa ra lời khuyên về một số khoản đầu tư và góp 29 nghìn USD vào quỹ tranh cử của cựu Tổng thống Bill Clinton khi đó.

Ngay khi cựu Tổng thống Bill Clinton vào được Nhà Trắng, ông Tyson lại phải lo lắng về mối quan hệ quá thân cận với Mike Espy - Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ đồng thời là thành viên Nội các với quyền lực quan trọng nhất đối với công ty của ông.

Ngoài việc dành cho ông Espy những chuyến bay, phòng khách sạn và vé bóng đã miễn phí, ông còn đóng 60 nghìn USD vào quỹ vận động tranh cử của em trai Espy, người sau đó thất bại trong cuộc chạy đua vào Quốc hội Mỹ. Bê bối chính trị này khiến ông Espy phải từ chức còn Tyson chịu phạt 6 triệu USD.

Tyson còn gặp nhiều rắc rối khi không chịu phân biệt giữa tiền riêng và tiền của công ty. Năm 2005, Ủy ban chứng khoán Mỹ phạt ông 700 nghìn USD do sử dụng tiền công ty vào mục đích riêng, cụ thể để mua trang sức, nhà nghỉ và ngựa. Sau đó, công ty tiêu tốn 1,5 triệu USD để giải quyết các vụ điều tra liên quan đến sổ sách kế toán của công ty.

Mọi chuyện không dừng lại ở đó, công ty Tyson Foods thường bị chỉ trích, thậm chí điều tra về hành vi gây hại đến môi trường, đối xử tàn tệ với động vật và người lao động. Năm 2005, công ty bị kiện vì đưa người nhập cư bất hợp pháp vào dây chuyền sản xuất làm việc. Sau đó, công ty được xử trắng án.

Bỏ qua tất cả những yếu tố trên, Don Tyson vẫn nổi tiếng là một người cứng rắn, tính cách mạnh mẽ. Khi ông rời khỏi công ty vào năm 1995, công ty đứng thứ 110 trong danh sách các công ty hàng đầu nước Mỹ, doanh thu hàng năm hơn 5,2 tỷ USD. Công ty bán khoảng 6 nghìn chủng loại sản phẩm sang 57 nước và mỗi tuần giết khoảng 29 triệu con gà.

Ông Tyson có 4 con và 2 cháu. Con trai ông, John Tyson, giữ chức vụ CEO của công ty đến năm 2006 và hiện nay đang làm chủ tịch công ty.

Ngọc Diệp


ngocdiep

Trở lên trên