Đồng ruble Nga hồi phục sau tác động của NHTW
Trạng thái đóng băng tiền mặt mà Thống đốc NHTW Nga Elvira Nabiullina tạo ra để hỗ trợ đồng ruble đang bắt đầu phát huy tác dụng.
- 16-12-2014Đồng nội tệ của Nga có lúc chạm mốc 80 ruble/USD
- 16-12-2014Quyết bảo vệ đồng ruble, Nga tăng lãi suất từ 10,5% lên 17%
- 25-11-2014Người Nga bán ruble mua Rolls Royce?
Đồng nội tệ của Nga đã tăng khoảng 35% so với USD kể từ khi chạm đáy hôm 16/12 – ngày tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Nga. Bà Nabiullina đã nâng lãi suất cho vay lên 17% (mạnh nhất 16 năm), hi sinh tăng trưởng để ngăn đà rơi tự do của đồng ruble.
Kết quả là các ngân hàng Nga vốn đang trong tình trạng không thể đi vay ở nước ngoài vì các lệnh cấm vận của phương Tây lại gặp thêm một khó khăn nữa ở quê nhà. Tháng 12, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gấp đôi, lên 27%, cao nhất trong ít nhất 8 năm.
Một ngân hàng đã trả mức lãi suất lên đến 38,3% để thu về toàn bộ số tiền gửi kỳ hạn 10 ngày trị giá 150 tỷ ruble (tương đương 2,5 tỷ USD) trong một phiên đấu giá được Kho bạc tổ chức.
Động thái của NHTW Nga đã tạo ra sự ổn định của đồng ruble nhưng sẽ khiến nền kinh tế suy giảm mạnh hơn, đặc biệt là nếu giá dầu giảm sâu hơn nữa.
Theo Dmitry Dudkin, chuyên gia đến từ UralSib Financial Corp. (Moscow), rõ ràng là tình trạng thiếu hụt ruble đã ngăn không cho đồng tiền này tiếp tục lao dốc và mạnh lên.
Đồng ruble biến động quá mạnh trong tuần qua (biên độ dao động từ 56,18 đến 80,10 ruble/USD) là biểu hiện rõ ràng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính khiến người Nga nhớ lại những gì đã diễn ra năm 1998. Ngày 15/12, NHTW Nga đưa ra dự báo nền kinh tế có thể suy giảm 4,5% trong năm 2015 nếu như dầu thô – mặt hàng xuất khẩu chủ lực – tiếp tục ở mức 60 USD/thùng.
Đồng ruble hiện đang được giao dịch ở mức 59,1400 ruble đổi 1 USD ở New York, thu hẹp mức giảm trong 5 ngày qua xuống còn chưa đến 2%.
Đồng nội tệ của Nga thường biến động cùng chiều với giá dầu bởi 50% thu ngân sách của Nga đến từ ngành dầu mỏ. Phiên hôm qua, giá dầu tăng 0,6%, lên 59,60 USD/thùng ở London, thu hẹp đà giảm từ đầu năm đến nay xuống còn 46%. Trong cùng thời kỳ này, đồng ruble giảm 45% và là đồng tiền có diễn biến tệ thứ hai thế giới, chỉ sau đồng hryvnia của Ukraine.
Vladimir Osakovskiy, chuyên gia kinh tế tại Bank of America Corp., nhận định chính sách tiền tệ đã được thắt chặt đáng kể và do đó đồng ruble cuối cùng cũng được hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu giá dầu tiếp tục giảm, đồng ruble cũng sẽ giảm bất chấp chính sách tiền tệ được thắt chặt đến đâu.
Thanh Thanh