Đồng rúp giảm sâu, ông Putin gặp “ca khó”
Đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng 1998, kéo theo vô số “nạn nhân”. Liệu ông Putin có xoay chuyển được thế cờ?
- 11-09-2014EU đưa ra lệnh trừng phạt, rúp Nga thấp nhất trong lịch sử
- 02-09-2014Rớt giá 6 ngày liên tiếp, đồng rúp Nga thấp nhất trong lịch sử
Đồng rúp Nga đã giảm khoảng 20% so với đồng USD kể từ đầu năm, và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1998 - năm diễn ra khủng hoảng kinh tế Nga “Ruble crisis”. Ngân hàng Trung ương Nga đã không thể ngồi im và chỉ trong mấy ngày qua đã đổ hơn 2 tỷ USD vào can thiệp để giữ giá đồng rúp.
Thế nhưng các nhà phân tích ngoại hối vẫn dự báo đồng rúp có thể sẽ còn giảm sâu nữa, bất chấp những sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga. Dự báo này có vẻ khá hợp lý, bởi đồng rúp Nga hiện đang chịu quá nhiều áp lực giảm giá, từ việc các nhà đầu tư nước ngoài đang rời bỏ thị trường Nga cho đến việc các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang khiến việc tiếp cận thị trường vốn nước ngoài của các doanh nghiệp Nga khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh như vậy, việc tiếp tục đổ tiền can thiệp vào thị trường ngoại hối cũng chỉ như “muối bỏ biển”. Đó là lý do tại sao nhiều nhà phân tích ngoại hối cho rằng Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới, đẩy mức lãi suất cho vay chủ chốt lên khoảng 8,5%. Động thái tăng lãi suất thường sẽ làm tăng giá đồng tiền, nhưng cũng sẽ khiến cho đà tăng trưởng kinh tế chậm lại do chi phí lãi vay tăng cao.
Thế nhưng dù có thế nào thì Ngân hàng Trung ương Nga vẫn phải cứu đồng rúp, bởi hiện tại đã xuất hiện rất nhiều nạn nhân của một đồng rúp giảm giá:
Người tiêu dùng Nga
Đồng rúp mất giá kéo theo lạm phát tăng. Chỉ số CPI tháng 9 của Nga cho thấy lạm phát đã tăng lên mức 8%, trong đó giá lương thực thực phẩm tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI tăng sẽ khiến cho doanh thu của các mặt hàng tiêu dùng giảm, và các hộ gia đình Nga sẽ trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch mua các mặt hàng giá trị.
Các ngân hàng và các công ty Nga
Đồng rúp giảm khiến cho các ngân hàng và các công ty của Nga gặp nhiều khó khăn hơn cho việc chi trả các khoản nợ, đặc biệt phải kể đến gần 55 tỷ USD dư nợ trái phiếu sẽ đáo hạn từ giờ đến cuối năm. Rất có thể các định chế tài chính này sẽ phải yêu cầu những gói cứu trợ từ chính phủ Nga, đặc biệt là khi họ gần như đã bị cô lập khỏi các kênh huy động vốn từ nước ngoài do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các doanh nghiệp nước ngoài tại Nga
Các doanh nghiệp nước ngoài trong đủ mọi lĩnh vực có nhà máy sản xuất tại Nga đang phải trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng. Đồng rúp yếu đi khiến cho chi phí nhập khẩu vật tư, nguyên liệu từ các nước khác tăng lên và các doanh nghiệp này buộc phải tăng giá sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với doanh số bán hàng giảm mạnh so với thời kỳ trước đó. Đấy là chưa kể đồng rúp giảm giá sẽ làm giảm đáng kể phần lợi nhuận mà các doanh nghiệp này chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài.
Các công ty dịch vụ lữ hành, các địa điểm du lịch nước ngoài
Đồng rúp yếu không chỉ khiến người Nga trì hoãn mua các mặt hàng có giá trị lớn, mà còn khiến cho họ ít chi tiền cho các chuyến du lịch hơn. Các công ty dịch vụ lữ hành trước đây cung cấp các tour du lịch nước ngoài đang lao đao vì lượng khách hàng giảm đáng kể, còn các địa điểm du lịch ưa thích của người Nga như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã ghi nhận số khách du lịch người Nga giảm hơn 30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, một đồng rúp mất giá cũng có những cái lợi, mà rõ ràng nhất là nó làm giảm chi phí sản xuất trong nước, khiến cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước tăng lên. Trong các báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp của Nga gần đây, người ta nhận thấy đã có sự gia tăng các hoạt động trong các ngành như chế biến thực phẩm và luyện kim.
Thế nhưng chưa chắc các doanh nghiệp Nga có thể tận dụng được lợi thế này, bởi hiện tại Nga không còn là một cường quốc về công nghiệp như xưa nữa. Lý do bởi trong nhiều năm qua nền kinh tế Nga đã phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và các hàng hóa liên quan. Để đẩy mạnh nền công nghiệp trong tình trạng này sẽ cần một lượng vốn rất lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà xưởng máy móc, mà vốn thì giờ lại đang gặp khó. Liệu ông Putin có giải được “ca khó” này?
Đức Nguyễn