Dow Jones mất 390 điểm, dầu thô xuống gần 29 USD/thùng
Đà lao dốc của giá dầu và các số liệu kinh tế ảm đạm khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao đao.
- 16-01-2016Giá dầu có thể chạm đáy ở 20 USD/thùng
- 15-01-2016Chứng khoán Trung Quốc chính thức bước vào "thị trường con gấu"
- 15-01-2016Giá dầu vượt 31 USD, phố Wall bật tăng
Chứng khoán toàn cầu lại tiếp tục giảm điểm trên diện rộng. Phố Wall lao dốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8, trong khi trái phiếu và vàng tăng vọt vì giá dầu rơi xuống mức gần 29 USD/thùng. Các số liệu kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp làm tăng thêm nỗi lo về đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 12 năm đang tạo nên những cơn sốc trên toàn thế giới vào đúng thời điểm nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng những biện pháp can thiệp của Trung Quốc sẽ không thể thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng.
Hôm qua (15/1), Mỹ công bố số liệu về doanh số bán lẻ và sản xuất ảm đạm, thể hiện kinh tế Mỹ đã kết thúc năm 2015 trong tình trạng khá yếu ớt và khởi đầu năm 2016 cũng không khá hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát, khiến nhà đầu tư suy nghĩ khác đi về lộ trình nâng lãi suất của Fed năm 2016.
Kết thúc phiên, chỉ số S&P 500 giảm 2,2% sau khi đã giảm khoảng 3,3% trước đó. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp S&P 500 sụt giảm, đánh dấu chuỗi dài nhất kể từ tháng 7. Dow Jones cũng giảm gần 400 điểm, tương đương 2,4% và không có cổ phiếu nào tăng điểm.
Ở châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2,8% và giảm tổng cộng 3,4% trong cả tuần. Chỉ số này cũng đã giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục lập hồi tháng 4 và do đó được cho là đã rơi vào “thị trường con gấu”.
Thị trường mới nổi cũng không khá hơn với chỉ số MSCI Emerging Markets Index giảm tổng cộng 2%. Chứng khoán Trung Quốc bước vào thị trường con gấu.
Tất cả các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu đều đã giảm ít nhất 7,9% kể từ đầu năm đến nay
Giá dầu WTI của Mỹ có lúc đã giảm tới 6,2% trước khi chốt phiên ở mức 29,42 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu thô biển Bắc cũng giảm 5,9%, xuống chỉ còn 29,05 USD/thùng.
Vàng có tuần tăng giá mạnh nhất trong 6 tuần, vì chứng khoán Trung Quốc cũng như chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh khiến nhu cầu về tài sản an toàn tăng lên. Tuy nhiên các kim loại khác cũng như thị trường hàng hóa vẫn giảm điểm, với chỉ số Bloomberg Commodity Index theo dõi giá của 22 loại hàng hóa cơ bản giảm 1,4%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991.
Cùng vì nhu cầu tài sản an toàn lên cao, đồng USD tăng giá tuần thứ 3 liên tiếp. Yên Nhật và euro cũng tăng giá. Ngược lại, đồng rúp của nga giảm 2% và rand của Nam Phi giảm 1,3%, dẫn đầu đà giảm của nhóm nội tệ các quốc gia mới nổi.