Dow Jones mất gần 600 điểm
Kết thúc ngày giao dịch biến động mạnh nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên kể từ năm 2011 chỉ số S&P 500 đã rơi vào giai đoạn điều chỉnh trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu suy giảm sâu hơn nữa.
- 24-08-2015Bloomberg: Chứng khoán Châu Á đỏ lửa, các NHTW sắp ra tay cứu?
- 24-08-2015Láng giềng Trung Quốc tung biện pháp cứu chứng khoán
- 24-08-2015Shanghai Composite mất 8%, sắc đỏ bao trùm chứng khoán châu Á
Trong những phút giao dịch đầu tiên sau khi thị trường mở cửa, Dow Jones đã rớt tới 1.000 điểm. Đến giữa ngày Nasdaq 100 giảm 9,8% trong khi S&P 500 mất 5,3%. Sau đó thị trường hồi phục nhưng đến buổi chiều lại phải chịu đựng một đợt bán tháo mới.
Kết thúc phiên hôm qua (24/8), S&P 500 giảm 3,9%, xuống còn 1.893,21 điểm, đóng cửa ở mức thấp hơn 11% so với kỷ lục hồi tháng 5. Dow Jones mất gần 600 điểm, tương đương 3,6%, xuống còn 15.871,35 điểm sau khi giảm 6,6% trước đó. Nasdaq cũng mất 3,8%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 27/10/2014, sau khi giảm 8,8% trước đó.
Các chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới đều lao dốc mạnh trong 1 tháng qua
Tổng cộng có khoảng 14 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên TTCK Mỹ, cao nhất trong hơn 4 năm. Đây là phiên giao dịch có khối lượng lớn thứ hai trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Sự bình tĩnh của chứng khoán Mỹ bắt đầu suy yếu từ cuối tuần trước, với mức biến động tăng lên kỷ lục và nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Kể từ khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ hôm 11/8, tổng cộng đã có hơn 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi”.
Chỉ số S&P 500 đang hướng tới tháng 8 tồi tệ nhất trong 17 năm. Ngoài diễn biến bất lợi ở Trung Quốc, điều quan trọng nhất đối với chứng khoán Mỹ là thời điểm dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006, chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng được triển khai từ năm 2014.
Trước cơn bán tháo của thị trường chứng khoán toàn cầu, xác suất Fed sẽ hành động vào tháng 9 tới đã giảm từ mức 48% ở thời điểm trước khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ xuống chỉ còn dưới 25% ở thời điểm hiện tại. Sự bất ổn của TTCK khiến niềm tin của nhà đầu tư chao đảo. Giờ đây nhà đầu tư buộc phải đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế thế giới có đủ khỏe mạnh để chịu đựng việc Fed nâng lãi suất hay không.
Đà giảm của chứng khoán toàn cầu khiến nhiều người nhớ đến năm 1998, khi tình trạng căng thẳng tài chính ở khắp các nước từ châu Á tới Nga khiến S&P 500 giảm tới 19% và chỉ hồi phục sau 3 tháng.
Tất cả các nhóm chính của S&P 500 đều giảm ít nhất 3%, với các nhóm nguyên vật liệu thô chạm đáy thấp nhất 2 năm và các cổ phiếu năng lượng chạm đáy thấp nhất kể từ tháng 10/2011. Cổ phiếu của Citigroup và JPMorgan Chase giảm ít nhất 5,2%, trong khi nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2012.
Chỉ có 6 cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 tăng điểm.
Ở thời điểm hiện tại một số thị trường chứng khoán châu Á đã mở cửa trở lại và đà bán tháo vẫn chưa dứt. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã giảm 1%, với chỉ số Topix của TTCK Nhật Bản mất 2%.