MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fed "tiến thoái lưỡng nan" vì USD

16-03-2015 - 19:11 PM | Tài chính quốc tế

Có thể dễ dàng hiểu được những lý do đằng sau việc Fed muốn nâng lãi suất, nhưng Fed cũng phải lo lắng về sức mạnh của đồng USD trong bối cảnh tất cả các nước khác đều phá giá đồng nội tệ.

Nội dung nổi bật:

- Đà tăng của USD cùng với đà giảm của euro khiến USD cao nhất 12 năm so với euro vào tuần trước. Giới phân tích đồng loạt dự báo euro sẽ ngang giá USD trong tương lai không xa.

- Fed ở trong tình thế khó xử vì USD mạnh khiến mục tiêu lạm phát ngày càng xa vời và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong khi Fed chuẩn bị nâng lãi suất trong năm nay.


Câu chuyện nóng hổi nhất của tuần trước chính là đà lao dốc của đồng tiền chung châu Âu. Euro đã giảm xuống mức 1,0556 USD đổi 1 euro. Kể từ đầu năm đến nay, đồng tiền này đã giảm 12%.

Chỉ số Dollar Index đo lường diễn biến của USD so với giỏ các tiền tệ mạnh khác đã tăng gần 0,9%, lên mức 99,649 điểm – cao nhất trong 12 năm.

Theo các chuyên gia phân tích tại Commerzbank, sự khác biệt giữa lợi suất trái phiếu châu Âu và Mỹ là yếu tố quan trọng nhất khiến euro giảm giá so với USD. “Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,23%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu do chính phủ Mỹ phát hành đang tăng lên và do đó euro sẽ tiếp tục giảm giá”.

Một ngân hàng khác là Danske Bank cũng đã hạ dự báo cho cặp tỷ giá euro/USD từ mức 1,05 xuống còn 1,00. “Những hiệu ứng từ chương trình nới lỏng định lượng của NHTW châu Âu cùng với tình trạng thanh khoản dư thừa và lãi suất âm khiến nhà đầu tư hướng đến những tài sản rủi ro hơn. Đồng euro sẽ giảm sâu hơn nữa’.

Tuần này, cả thế giới sẽ hướng về nước Mỹ với cuộc họp chính sách quan trọng của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Mọi người đều dự đoán Fed sẽ “đặt nền móng” cho động thái nâng lãi suất vào tháng 6 tới bằng cách loại bỏ từ “kiên nhẫn” trong nhận định về điều kiện để nâng lãi suất.

USD tăng giá một phần là do triển vọng Fed sẽ nâng lãi suất và kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn. Tuy nhiên, điều này đang ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như các công ty Mỹ có nhiều hoạt động ở nước ngoài. Giá nhập khẩu giảm khiến lạm phát không thể đạt mục tiêu 2% là một mối lo ngại khác.

Một số nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng giá trị của “đồng bạc xanh” là mối quan tâm của các công ty lớn. Tuy nhiên, James Bullard, Chủ tịch của St Louis Fed, nói với Financial Times rằng các doanh nghiệp chắc chắn đã có biện pháp phòng vệ trước những rủi ro tiền tệ.

Trong khi đó, Gary Cohn – Chủ tịch kiêm COO của Goldman Sachs – nhận định biến động tỷ giá hiện nay đặt Fed vào “một vị trí khó xử”.

“Fed đang ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Có thể dễ dàng hiểu được những lý do đằng sau việc Fed muốn nâng lãi suất, nhưng Fed cũng phải lo lắng về sức mạnh của đồng USD trong bối cảnh tất cả các nước khác đều phá giá đồng nội tệ”.

Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Markit và cũng là người từ tháng 12 năm ngoái đã dự báo euro ngang giá với USD, cho rằng chính những đồn đoán về việc Fed sẽ nâng lãi suất ảnh hưởng đến tỷ giá. “Sự đối lập trong chính sách tiền tệ của Fed và ECB sẽ là yếu tố tác động rất lớn đến thị trường trong năm 2015”.

Hiện nay ECB dự đoán châu Âu sẽ đạt mức tăng trưởng 1,5% trong năm nay, tăng so với con số ước tính 1% của năm ngoái. ECB cũng tin rằng trong vài quý tới kinh tế châu Âu sẽ phục hồi vững chắc hơn. “ECB tăng dự báo tăng trưởng vì những tác động tích cực từ giá dầu giảm, tỷ giá và các chính sách tiền tệ mới được áp dụng trong thời gian qua”, ông Draghi nói.

Tuần trước, ECB đã bắt đầu triển khai chương trình nới lỏng định lượng với việc mua vào 60 tỷ euro tài sản mỗi tháng. Benoît Cœuré, thành viên ban lãnh đạo ECB, khẳng định ECB đã mua 3,2 tỷ euro trái phiếu chính phủ trong ngày 9/3.

Thu Hương

Thu Hương

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên