MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gián điệp kinh tế Trung Quốc đe dọa Mỹ

27-07-2015 - 08:06 AM | Tài chính quốc tế

“Đại đa số thủ phạm có nguồn gốc từ Trung Quốc và có mối quan hệ với chính phủ nước này” - theo FBI

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa cho biết số vụ gián điệp kinh tế nhắm vào doanh nghiệp Mỹ đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, đại đa số thủ phạm có nguồn gốc từ Trung Quốc và có mối quan hệ với chính phủ nước này.

Trưởng đơn vị phản gián của FBI, ông Randall Coleman, nhấn mạnh cơ quan này ghi nhận số vụ gián điệp kinh tế hoặc đánh cắp bí mật thương mại tăng 53% trong năm ngoái, gây ra tổn thất hàng trăm tỉ USD. Trong số này, theo ông Coleman, Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất về gián điệp kinh tế mà Washington đang phải đối mặt. Quan chức này nêu tên một số công ty lớn bị xem là nạn nhân của gián điệp kinh tế như Công ty Hóa học DuPont, Tập đoàn Lockheed Martin và Công ty Sơn Valspar. Kênh Fox News cho biết một cuộc thăm dò 165 công ty Mỹ của FBI gần đây cho thấy Trung Quốc là thủ phạm của 95% vụ gián điệp kinh tế ở Mỹ.

Để nêu bật mối đe dọa đang ngày càng tăng này đối với nền kinh tế Mỹ, FBI đã tiến hành một chiến dịch toàn quốc nhằm cảnh báo các lãnh đạo doanh nghiệp về những mối nguy hiểm từ gián điệp kinh tế nước ngoài. FBI cũng cử đặc vụ làm các điều phối viên đối tác chiến lược với các công ty có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc bí mật thương mại.

Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn mối đe dọa về gián điệp kinh tế, FBI vào tuần rồi đã công bố đoạn video về vụ 2 công dân Trung Quốc dùng tiền để mua bí mật công nghệ của một công ty Mỹ hồi năm 2012. Đoạn video cho thấy cảnh giao dịch diễn ra tại một khách sạn ở TP Kansas, bang Missouri, nơi giám đốc điều hành một công ty Trung Quốc cùng với một phụ tá đồng ý chi 30.000 USD tiền mặt - khoản tiền đầu tiên trong tổng số 100.000 USD như hứa hẹn - để mua tài liệu mật về công nghệ cách nhiệt từ một nhân viên làm việc cho Công ty Thủy tinh Pittsburgh Corning.

FBI đã dựng một video ngắn gọi là “The Company Man: Protecting America’s Secrets” (tạm dịch: “Người công ty: Bảo vệ bí mật nước Mỹ”) dựa trên vụ việc nói trên và chiếu cho các công ty khắp nước xem hồi năm ngoái để nâng cao nhận thức về mối đe dọa đến từ nội bộ. Cụ thể, bọn gián điệp thương mại ra sức dụ dỗ các nhân viên làm việc trong công ty bằng những khoản tiền lớn để có thể lấy được các dữ liệu quan trọng ra khỏi mạng máy tính của công ty đó. Ngoài ra, giới chức Mỹ còn cảnh báo về những thủ thuật xâm nhập máy tính mà gián điệp sử dụng để chiếm đoạt tài sản trí tuệ và bí mật thương mại.

FBI xem gián điệp kinh tế là mối de dọa không chỉ đối với nền kinh tế mà đối với cả an ninh quốc gia bởi bọn họ còn nhắm đến công nghệ quân sự. “Bảo vệ thông tin kinh tế và bí mật thương mại của chúng ta cũng chính là bảo vệ an ninh quốc gia” - ông William Evanina, giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia Mỹ, nhấn mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia này lo ngại Mỹ hiện có nguy cơ thua trong cuộc chiến tranh gián điệp kinh tế.

Các nhà kinh tế Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc tiếp tay tạo ra một sân chơi kinh tế không công bằng trên thế giới bằng cách tiến hành các phi vụ gián điệp kinh tế. “Để duy trì tỉ lệ tăng trưởng phi thường của mình, Trung Quốc phải thực hiện các cuộc tấn công mạng máy tính để đánh cắp thông tin kinh doanh quan trọng và mang tính cạnh tranh. Đây được xem là một phần cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia của Trung Quốc. Vì thế, việc làm cho Trung Quốc kiềm chế hành vi này của họ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn” - ông Scott Borg, Giám đốc tổ chức U.S. Cyber Consequences Unit (Mỹ) chuyên nghiên cứu về an ninh mạng, nhận định.

Theo Lục San

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên