MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giận dữ với thu nhập “khủng” của lãnh đạo

20-04-2014 - 16:31 PM | Tài chính quốc tế

Kinh tế thế giới vừa tạm ổn, các lãnh đạo tập đoàn lớn lại nhăm nhe lãnh lương khủng khiến nhiều người bất bình.

Sau 15 tháng làm giám đốc điều hành cho Yahoo!, ông Henrique de Castro ra đi với khoản đền bù trị giá hơn 58 triệu USD. Câu chuyện chỉ là ví dụ nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về thu nhập cao ngất trời của các nhà quản lý cấp cao ở Mỹ khiến các công ty và cổ đông bức xúc.

Cổ đông giận dữ

Theo USA Today, trong một bức thư gửi nhân viên sau khi sa thải ông de Castro vào ngày 16-1, chủ tịch Yahoo! Marissa Mayer giãi bày đây là một quyết định khó khăn. Trước đó, Yahoo! hợp thức hóa giá trị đền bù hợp đồng thuê ông de Castro khi nói rằng điều này là để đổi lại việc ông rời Google.

Khoản đền bù khi rời Yahoo! của ông bao gồm cả một khoản bảo hộ trong trường hợp ông bị cắt hợp đồng. Yahoo! cũng nói khoản đền bù để ông de Castro ra đi nhỏ hơn rất nhiều so với sự tăng mạnh của giá cổ phiếu công ty, điều khiến cổ phần của ông Castro tăng từ 17 triệu USD lên 57 triệu USD.

Tuy nhiên, theo USA Today, phần lớn giá trị thị trường của Yahoo! tăng lên không có mấy nghĩa lý gì về mặt quản lý, mà nhờ vào giá trị tăng lên của số cổ phần 24% Yahoo! có trong Alibaba, công ty thương mại điện tử của Trung Quốc.

Việc ông de Castro nhận được khoản tiền hậu hĩnh sau thời gian làm việc ngắn đã bị chỉ trích. Tháng trước, cổ đông đã đâm đơn kiện hội đồng quản trị Yahoo! và ông de Castro, cáo buộc hội đồng đã lãng phí tài sản chung và vi phạm bổn phận được ủy thác với việc không nhận thức được ông de Castro đáng được nhận bao nhiêu tiền bồi thường.

Không thể ngăn cản?

Chuyện lương khủng của lãnh đạo công ty, tập đoàn ở Mỹ có vẻ quay lại sau thời gian bị chỉ trích mạnh mẽ. Theo một điều tra mới đây của tờ Wall Street Journal, ông Lloyd Blankfein, người điều hành Ngân hàng Goldman Sachs, đã bỏ túi gần 23 triệu USD trong năm 2013, còn James Dimon của JPMorgan xoa tay với 20 triệu USD và John Stumpf của Wells Fargo cũng sung túc với hơn 19 triệu USD.

Thiên hạ thậm chí phải mắt tròn mắt dẹt với nhà lãnh đạo của Tập đoàn phần mềm Oracle: 78,4 triệu USD trong tài khóa năm vừa kết thúc hồi cuối tháng 5-2013, tăng thêm gần cả chục triệu USD so với thu nhập của năm trước đó.

Theo Fox News, giám đốc điều hành ở khoảng 500 công ty tại Mỹ đã kiếm được số tiền trung bình cao hơn 204 lần mức lương của nhân viên. Nhiều cổ đông đã tỏ ra tức giận.

Ở Pháp, các chủ ngân hàng cũng lục tục trở lại con đường tăng lương khi quyết định “thưởng thêm” cho mình mức tăng 8-38%. Điều này khiến dư luận bất bình và Bộ trưởng Kinh tế Pháp Arnaud Montebourg hôm 17-4, đã phải hứa trước quốc hội rằng sẽ triệu tập các lãnh đạo ngân hàng để làm rõ chuyện tăng lương quá cao.

Ông tuyên bố: “Chúng ta không thể chấp nhận một hệ thống ngân hàng yếu kém trong khi lương thưởng lại tăng vọt với tỉ lệ bất thường như thế”. Theo tờ Capital, trong khi người Pháp chật vật với sức mua giảm sút thì lương bổng của chủ ngân hàng nước này chả kém gì các đồng nghiệp bên Mỹ: ông chủ Jean-Laurent Bonnafé của Ngân hàng BNP bỏ túi đến gần 61 triệu USD, tăng thêm 8,1% so với năm trước.

Tuy Bộ trưởng Montebourg tuyên bố mạnh miệng nhưng người ta tin rằng ông không thể làm gì vì các ngân hàng đó đều là ngân hàng tư nhân, và lương bổng của các ông chủ đều được đại hội cổ đông thông qua cũng như được hội đồng giám sát chuẩn thuận.

Các lãnh đạo công ty, tập đoàn vẫn thường dựa vào lập luận mình tài giỏi, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nên được quyền hưởng lợi từ đó. Cuộc tranh cãi có vẻ không bao giờ có điểm dừng...

 Theo Việt Phương

Lương thấp vẫn thành công

Sự cần thiết trong việc trả lương cao và các khoản khích lệ hậu hĩnh cho nhà quản lý tiếp tục là đề tài gây tranh cãi. Nhìn chung, các nhà kinh tế kết luận từ những nghiên cứu của họ rằng thù lao cao cho các lãnh đạo cao cấp là có lợi, trong khi các nhà tâm lý tổ chức lại cho rằng điều này là tai hại.

Fox News đã dẫn nghiên cứu cho rằng trả lương thấp hơn cho nhà quản lý và bãi bỏ các khoản khích lệ là cách vẫn có thể đem lại thành công. Ví dụ, trong số gần 300 công ty thuộc Tập đoàn Mondragon ở Tây Ban Nha, các giám đốc điều hành không nhận các khoản khích lệ và tiền đền bù của họ không được cao quá 11 lần mức lương thấp nhất của một nhân viên. Do đó, các công ty này không gặp vấn đề khi tìm nhân sự cấp cao. Các công ty của Mondragon cũng sản sinh nhiều lợi nhuận hơn các công ty truyền thống cung cấp cùng loại sản phẩm ở Tây Ban Nha.

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên