MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao dịch tiền tệ lớn nhất thế giới đang mắc kẹt vì Fed

18-08-2015 - 15:30 PM | Tài chính quốc tế

Giao dịch cặp tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất thế giới giờ đây trở nên không hề béo bở đối với các nhà đầu tư.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), giao dịch cặp tỷ giá euro và USD chiếm 24% tổng số các giao dịch trên thị trường tiền tệ, khiến đây trở thành giao dịch phổ biến nhất trên thị trường tài chính lớn nhất thế giới.

Kể từ cuối tháng 6, giá USD vẫn xoay quanh mốc gần 1,10 USD đổi 1 euro. Trong quý này, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đà lao dốc của thị trường hàng hóa đã đẩy đồng bạc xanh lên cao hơn so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Cùng kỳ, biến động của USD là nhỏ nhất so với các đồng tiền khác, trong bối cảnh kinh tế châu Âu có những dấu hiệu tăng trưởng và thị trường dự đoán Fed sẽ chưa vội nâng lãi suất.

“Thành thật mà nói không có lý do gì để bận tâm đến cặp tỷ giá USD/EUR, chiến lược gia Daniel Brehon đến từ ngân hàng Deutsche Bank, nói. “Chúng tôi đang tìm kiếm một đợt nâng lãi suất trong tháng 9, nhưng tất cả đều nhất trí với ý tưởng rằng lãi suất sẽ tăng rất chậm và chúng ta phải đợi chờ thêm 6 tháng nữa”.

Tính đến 5h chiều 18/8 theo giờ New York, đồng USD tăng 0,3%, lên 1,1078 USD đổi 1 euro và không thay đổi nhiều so với đồng yên Nhật với mức tỷ giá 124,39 yên. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index theo dõi diễn biến của đồng USD so với 10 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,2%, lên 1.210,39 điểm.

Trong khi các quỹ đầu cơ và các nhà đầu cơ lớn vẫn đang đặt cược vào một đồng USD mạnh hơn, theo số liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai, số người đặt cược đã giảm gần một nửa so với mức đỉnh được lập hồi tháng 4. Tính đến 20/7, số vị thế tương lai đặt cược vào đà tăng của USD là 115.210 hợp đồng, so với mức 226.560 trước đó.

Xu hướng giảm trùng hợp với việc các nhà giao dịch hợp đồng tương lai đánh giá khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 tới đang giảm xuống. Đánh giá trên các hợp đồng tương lai, có 48% khả năng Fed sẽ nâng chi phí đi vay trong cuộc họp vào ngày 16-17/9 tới, dựa trên giả định rằng lãi suất liên bang sẽ ở mức 0,375% sau lần nâng đầu tiên.

Chỉ số Dollar Index tăng 7% kể từ đầu năm đến nay vẫn không khiến nhà quản lý quỹ Dan Fuss trở thành người đặt cược USD sẽ tăng giá kể cả khi quỹ trái phiếu Loomis Sayles của anh phải đối mặt với mức thua lỗ tệ nhất kể từ năm 2008. Anh vẫn ưa thích những đồng tiền đã gây ra cho anh những nỗi đau trong năm 2015, trong đó có dollar Australia và dollar New Zealand, một phần là bởi anh không tin rằng đà tăng của đồng bạc xanh sẽ bền vững.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên