MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao tranh đẫm máu ở Ukraine

29-05-2014 - 11:32 AM | Tài chính quốc tế

Cuộc giao tranh đẫm máu tại sân bay Donetsk đã đập nát mọi hi vọng về một Ukraine yên bình hơn sau khi tỉ phú Petro Poroshenko đắc cử tổng thống.

Theo báo Kiev Post, hôm qua Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov thông báo quân đội nước này đã giành lại quyền kiểm soát sân bay thành phố Donetsk từ các tay súng ly khai. “Kẻ thù bị thiệt hại nặng nề, còn chúng ta không mất một người nào” - ông Avakov cho biết. Đài Tiếng nói nước Nga dẫn nguồn tin từ đại diện “nước CH Donetsk” tự phong cho biết ít nhất 50 tay súng ly khai bị bắn chết và 20-50 thường dân thiệt mạng.

Thị trưởng Donetsk Oleksandr Lukyanchenko kêu gọi người dân sống tại khu vực gần sân bay ở trong nhà. Hàng chục trường học đã đóng cửa. Nhiều thường dân di tản khỏi thành phố.

Ông Poroshenko cứng rắn

Ukraine rút khỏi CIS

Ngày 27-5, Ukraine chính thức thông báo rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Theo Itar-Tass, Bộ Ngoại giao Ukraine đã đệ trình thủ tục rút khỏi CIS lên Quốc hội. Tờ Thời Báo Matxcơva dẫn lời các chuyên gia nhận định đây là cú đòn mạnh giáng vào giấc mơ xây dựng một khối liên minh như thời Liên Xô trước đây. “Một Liên Xô mới không có Ukraine sẽ là vô nghĩa” - nhà phân tích Sergei Shelin nhấn mạnh. Thiếu Ukraine, CIS sẽ chỉ còn là một liên minh lỏng lẻo, nơi các nước Trung Á ngóng chờ tiền từ Nga chứ không muốn một khối hợp tác chiến lược thật sự.

Reuters dẫn lời nhà phân tích Nga Boris Makarenko, phó giám đốc Trung tâm Công nghệ chính trị (CPT) tại Matxcơva, nhận định Chính phủ Nga không dự báo trước được phản ứng dữ dội của quân đội Ukraine sau khi các tay súng ly khai chiếm sân bay Donetsk, do đó đã bị bất ngờ. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergei Lavrov đều lên tiếng kêu gọi Kiev ngừng chiến dịch quân sự chống ly khai “mang tính trừng phạt”.

Hãng phân tích IHS đánh giá ông Poroshenko muốn khẳng định vị thế bằng chính sách cứng rắn chống lại phe ly khai. Chính quyền Kiev cũng cho rằng việc ông Poroshenko thắng cử thuyết phục cho thấy dư luận Ukraine muốn chính phủ hành động mạnh tay với ly khai. Do đó, một số nhà quan sát nhận định nhiều khả năng bạo lực sẽ còn tiếp diễn ở miền đông Ukraine trong những ngày tới.

Từ Brussels (Bỉ), Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Nga đàm phán với ông Poroshenko, tiếp tục rút quân ra khỏi biên giới Ukraine và thuyết phục phe ly khai giảm căng thẳng. Tổng thống Pháp François Hollande cho biết sẽ hội kiến với ông Putin vào ngày 6-6 để thảo luận tình hình Ukraine và thúc đẩy đàm phán giữa Matxcơva và Kiev. Trước đó, ông Poroshenko cũng tuyên bố muốn đối thoại với chính quyền Nga và bày tỏ hi vọng được gặp trực tiếp ông Putin.

Phía Nga cũng đã bày tỏ tín hiệu tích cực. Hôm qua, điện Kremlin khẳng định công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Ukraine. “Nga tôn trọng tuyên bố phản ánh nguyện vọng của người dân Ukraine” - Itar-Tass dẫn lời ông Yury Ushakov, cố vấn của Tổng thống Putin, trong cuộc họp báo tại Matxcơva. Từ Diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg, Tổng thống Putin cho biết sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Ukraine sau khi ông Poroshenko lên nắm quyền.

Tuy nhiên sẽ không dễ để Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Bởi trước đó ông Lavrov cho biết điện Kremlin chưa xem xét chuyến thăm của ông Poroshenko tới Matxcơva.

Khả năng can thiệp

Reuters dẫn lời một số nhà phân tích Nga và Ukraine đánh giá bạo lực đẫm máu ở Donetsk sẽ làm gia tăng khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Chuyên gia Makarenko cho rằng từ trước cuộc đụng độ tại sân bay Donetsk, ông Putin đã thành công trong chiến lược Ukraine. Nga đã lấy lại Crimea, uy tín ông Putin tăng vọt trong nước, Chính phủ Ukraine bất ổn vì ly khai ở miền đông và đã tuyên bố sẽ không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, chiến lược này có thể đảo lộn nếu bạo lực ở miền đông Ukraine tiếp tục leo thang. “Nếu các vụ tấn công dẫn tới tình huống nhiều thường dân thiệt mạng, ông Putin sẽ buộc phải xem xét khả năng không kích hoặc đưa quân vào Ukraine - chuyên gia Dmitry Trenin thuộc Trung tâm Carnegie Moscow dự báo - Đó không phải là điều ông Putin muốn, nhưng ông ấy sẽ không thể ngồi nhìn nếu quân đội Ukraine phá hủy một thị trấn”.

Một số nhà quan sát khác cho rằng nếu bạo lực bùng nổ ở miền đông Ukraine, dư luận Nga sẽ đòi hỏi ông Putin phải can thiệp để bảo vệ người gốc Nga tại đây. Nếu không hành động, ông sẽ bị dư luận trong nước phản đối.

Theo Hiếu Trung

huongnt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên