MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới trẻ Trung Quốc: Không có tài sản vẫn vui!

07-12-2015 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua, hàng triệu người như Xiong đã tìm ra cách để không phải lo về bẫy tiêu dùng của lối sống hiện đại. Thay vào đó, họ đang ủng hộ lối sống khác: lối sống dựa trên sự sẻ chia.

Tại sao phải bỏ tiền ra mua nếu có thể thuê với giá rẻ?

Khoảng 20 năm trước, dưới thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, Tyler Xiong theo cha mẹ - vốn là trí thức thành phố - về nông thôn sinh sống theo chủ trương của Nhà nước. Ngày hôm nay, anh đã 28 tuổi, có trong tay 1 công ty công nghệ non trẻ và là 1 trong số 500 người tình nguyện tới sống tại một cộng đồng gần nơi được coi là “thung lũng Silicon” của Bắc Kinh. Xiong chỉ có 2 đôi giày và chưa đến 10 bộ quần áo, chẳng có xe riêng và đi lại bằng Didi Taxi, một dạng dịch vụ như Uber. Triết lý của Xiong là: “tại sao phải bỏ tiền ra mua xe hơi khi mà đi thuê cũng chẳng sao?”

Đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua, hàng triệu người như Xiong đã tìm ra cách để không phải lo về bẫy tiêu dùng của lối sống hiện đại. Thay vào đó, họ đang ủng hộ lối sống khác: lối sống dựa trên sự sẻ chia. Thậm chí, họ ủng hộ kinh tế chia sẻ nhiều hơn so với phương Tây. Một cuộc khảo sát gần đây của Nielsen cho thấy có tới 94% người Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ, trong khi ở Bắc Mỹ, con số này là 43%.

Nếu muốn so sánh với thế hệ của cha mẹ mình, Xiong sẽ nói rằng ngày trước, việc ăn chung làm chung là bắt buộc, còn bây giờ là vui vẻ, tự nguyện.

Xiong đang sống tại không gian cộng đồng You+. Cái tên You+ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ để họ mở mang kinh nghiệm sống. Cộng đồng của Xiong nằm trong khuôn viên của một ngôi trường cũ, là nơi tổ chức hội thảo kinh doanh, giúp các công ty đăng ký kinh doanh và hiện nay đang cố gắng kết nối những người có kỹ năng với những nơi cần nhân tài. Tại Bắc Kinh hiện nay có 60 công ty khởi nghiệp công nghệ, hoạt động trong nhiều mảng như phát triển trò chơi trên điện thoại di động, các dịch vụ cải thiện giấc ngủ và nhiều dịch vụ khác.

You+ phản ánh một phong trào tương tự như ở phương Tây, nơi các công ty khởi nghiệp như Common (Mỹ), Nest Copenhagen (Đan Mạch) và Sende (Tây Ban Nha) đưa ra không gian sống chung phục vụ giới trẻ thành thị. Người đứng đằng sau phát triển của You+ là Lei Jun, người sáng lập công ty điện thoại di động nổi tiếng Xiaomi. Đến cuối năm nay, dự án You+ sẽ có đến gần 20 không gian chung ở khắp các thành phố lớn của Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Thượng Hải đến Quảng Châu.

Theo Su Di, 36 tuổi, đồng sáng lập You+, cư dân của You+ chỉ cần bỏ ra khoảng 500 USD/tháng là đã có được 1 phòng riêng, có nhà tắm và không gian làm việc chung - có thể làm văn phòng, hay nơi vui chơi, có cả bar và phòng trò chơi. Thay vì làm việc nhiều năm tại một công ty để tích cóp vốn tìm mặt bằng, những nơi như thế này cho những người trẻ cơ hội thử nghiệm những ý tưởng mới với chi phí rất thấp. Su Di hiện sống với vợ trong cùng tòa nhà với Xiong. Ở đây, họ được gặp nhiều người mới, thường xuyên có được những ý tưởng mới.

Theo Xiong, từng phòng trong không gian sống chung được thiết kế gọn gàng. Những người cùng sống tại nơi đây chia sẻ các ý tưởng. Nói một cách khác, bản thân bộ não của chúng ta cũng là một tài sản chưa được tận dụng tối đa.

Kinh tế chia sẻ ở Trung Quốc

Trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mới nhất, Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh đến kinh tế chia sẻ, coi đây là một hướng đi để chuyển nền kinh tế hướng về xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng. Theo PWC, nền kinh tế chia sẻ sẽ tạo ra khoản tiền 335 tỷ USD vào năm 2025, so với mức 15 tỷ USD hiện nay.

Trung Quốc không thiếu những người tiên phong trong lĩnh vực này: Didi Taxi, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber tại Trung Quốc, hiện có giá trị khoảng 16,5 tỷ USD; Tujia, một phiên bản Trung Quốc của Airbnb, có giá trị 1 tỷ USD vào thời điểm tháng 8; các dịch vụ tương đương như hàng may mặc, thiết bị thể thao và thậm chí cả vật nuôi đang mở rộng trên khắp đất nước.

Trường hợp của Xiong phản ánh một sự chuyển dịch giữa các thế hệ trong thái độ đối với của cải vật chất và địa vị xã hội. Trong suốt những năm tháng kinh tế Trung Quốc phát triển nóng, những người trẻ đã đổ xô đến các thành phố bùng nổ ở ven biển và có được những thứ mà thế hệ cha mẹ của họ không bao giờ có: căn hộ, xe hơi, các kỳ nghỉ xa hoa. Lúc đầu, Xiong cũng hệt như vậy. Lớn lên ở khu trung tâm của thành phố Trùng Khánh, rồi chuyển tỉnh Giang Tô để học về khoa học thực phẩm và kỹ thuật, Xiong trở thành một trong số ít những người trong lớp có được công việc tại một tập đoàn đa quốc gia. Nhưng chỉ sau 2 năm ở Thượng Hải làm quản lý tại hãng sản xuất kẹo cao su Wm Wrigley, Xiong nhận ra đây không phải là nơi dành cho mình. Anh đến Tây Ban Nha học về Trường phái kinh tế Áo và đến năm ngoái, anh đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp kinh doanh bitcoin ở Bắc Kinh.

Xiong cho biết: “Ngày trước, tôi luôn ở tại khách sạn năm sao, giờ lại ở không gian khá chật hẹp, tuy nhiên, đây không phải là bước thụt lùi. Chỗ ở không đánh giá được địa vị xã hội của một người."


Chỗ ở của Xiong ở You+

Chỗ ở của Xiong ở You+

Những ngày này, Xiong đang chung phòng ngủ với 3 người khác. Mỗi người trả khoảng 300 USD/ tháng. Ban đầu, Xiong chỉ muốn ở You+ trong thời gian ngắn nhưng rồi sau khi làm bạn với những người cùng phòng, anh tiếp tục ở lại. Thỉnh thoảng, qua Airbnb, bốn người cho thuê lại giường khi không có nhu cầu sử dụng để kiếm thêm tiền và tạo thêm mối quan hệ.

Năm ngoái, khi mà giá bitcoin lên đến đỉnh điểm và công ty của Xiong có khoảng 3 triệu USD, chỗ ngủ của anh chàng vẫn rất đơn sơ: chỉ là một tấm đệm kê trên sàn bê tông, dưới một chiếc giường tầng. Xiong muốn đầu tư vào công ty và bitcoin thay vì những thứ xa xỉ cho bản thân.

Gần lối vào khu nhà là một bảng thông báo dán đầy giấy ghi chú màu hồng và màu vàng ghi dịch vụ muốn trao đổi, ví dụ thay vì trả tiền để được hưởng dịch vụ xoa bóp lưng, bạn có thể đổi lại bằng việc dắt chó đi dạo. Ngoài ra, đây cũng là nơi dán thông báo tìm người của các công ty startup: “Tìm kiếm một coder lý tưởng với niềm đam mê thay đổi thế giới” hay "Bạn không thích cách các quy định hiện nay vận hành? Chúng tôi muốn bạn!"

Giống như bất cứ nơi nào khác, You+ cũng đưa ra các quy định riêng. Các cặp vợ chồng đều được chào đón nhưng trẻ em thì không, vì lối sống tại đây không được coi là có lợi cho việc nuôi dưỡng một gia đình. Những người trên 45 cũng không được khuyến khích đến đây ở, tuy nhiên, đây không phải là nguyên tắc bất di bất dịch. Ở đây, không có biên giới giữa người giàu và người nghèo. Người sáng lập của một chuỗi nhà hàng nổi tiếng vẫn sống cùng khu với Xiong và thỉnh thoảng hàng trăm người sẽ ăn lẩu cùng nhau.

Vui thì vui nhưng “ra đụng vào chạm” là chuyện tất nhiên. Bạn cùng phòng quá ồn ào là lời phàn nàn thường thấy. Đó là lý do tại sao tại một dự án You+ tại Quảng Châu, người ta phải có cuộc bầu chọn người đáng yêu nhất và đáng ghét nhất – nhằm khuyến khích các cư dân thể hiện hành vi tốt.

Đồng sáng lập You+, Su cho biết: "Việc này mới được bắt đầu thử nghiệm, nhưng bạn sẽ thấy những hiệu quả thực sự”.

Một số cho rằng khái niệm You+ không phải là mới và so sánh nó với mô hình Kibbutz của Israel thế kỷ trước. Tuy nhiên, điều làm nó khác biệt với hợp tác xã ngày xưa là cư dân ở đây tôn trọng sở hữu cá nhân và công nghệ giúp mọi người dễ dàng chia sẻ với nhau hơn.

Xiong nói: "Tôi là một người của thế hệ mới, đó cũng là sự lựa chọn của tôi."

Thu Trang

Bloomberg

Trở lên trên