Hàn Quốc “trông Nhật Bản mà nghĩ đến ta”
Hàn Quốc có vẻ như đang đi vào vết xe đổ của Nhật Bản. Điểm khác biệt ở đây là Hàn Quốc vẫn có thời gian để điều chỉnh xu hướng này và tránh được kịch bản trì trệ trong thời gian dài.
- 12-02-2014Bi kịch của người già Hàn Quốc
- 12-01-2014Người Nhật ... biến mất
Quan sát những thử thách mà Nhật Bản đang phải đối mặt, nhiều người sẽ ngưỡng mộ Thủ tướng Shinzo Abe vì quyết tâm chấm dứt 2 thập kỷ kinh tế trì trệ của ông. Trên lý thuyết, chiến thuật “ba mũi tên” với kích thích tiền tệ mạnh mẽ, tăng chi tiêu chính phủ và thực hiện những cải cách mang tính cơ cấu là những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có một “mũi tên” được hoàn tất.
Tác dụng của gói kích thích kinh tế mà Nhật Bản đang triển khai sẽ giảm sút khi chính sách tăng thuế tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực. Chính sách này giúp giảm gánh nặng nợ của Nhật Bản, nhưng sẽ khiến nhiều người tiêu dùng của đất nước mặt trời mọc phải cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, những cải cách trong ngành năng lượng, thị trường lao động và chính sách cạnh tranh vẫn “mất hút”.
Nhật Bản còn phải đối mặt với những vấn đề khó có thể cải thiện trong chốc lát: dân số già hóa nhanh chóng và bị co hẹp. Điều này hạn chế khả năng tăng trưởng trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, vấn đề này không phải là của riêng Nhật Bản. Trên thực tế, người hàng xóm lân cận là Hàn Quốc có vẻ như đang đi vào vết xe đổ của Nhật Bản. Điểm khác biệt ở đây là Hàn Quốc vẫn có thời gian để điều chỉnh xu hướng này và tránh được kịch bản trì trệ trong thời gian dài.
Hàn Quốc là một trong những câu chuyện điển hình nhất về thành công kinh tế trên thế giới trong 50 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cũng chính quốc gia này đang đứng trước kịch bản giống với Nhật Bản với nguyên nhân xuất phát từ dân số. Số dân ở trong độ tuổi lao động của Hàn Quốc đang giảm khoảng 1,2% mỗi năm – mạnh nhất trong nhóm OECD.
Mặc dù có rất nhiều lý do dẫn đến tỷ lệ sinh của Hàn Quốc ở mức thấp, có hai nhân tố kinh tế nổi trội. Thứ nhất, nợ của các hộ gia đình quá lớn – chiếm khoảng 1/4 thu nhập, với các khoản nợ thế chấp chiếm phần lớn. Tỷ lệ giữa giá nhà và thu nhập cao hơn gấp đôi so với ở Mỹ.
Thứ hai, các gia đình Hàn Quốc dành phần lớn thu nhập (trung bình khoảng 10%) đầu tư vào giáo dục. Với tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở mức khoảng 4% thu nhập khả dụng (tỷ lệ năm 1988 là 20%), còn rất ít ‘room” để chi tiêu thêm.
Một đặc điểm nổi bật của thị trường lao động Hàn Quốc là tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động thấp nhất trong nhóm OECD (khoảng 33% trong số phụ nữ 30 – 39 tuổi). Tỷ lệ này ở Hàn Quốc thậm chí còn thấp hơn cả ở Nhật Bản.
Thêm vào đó, Hàn Quốc cũng không đầu tư vào các trung tâm chăm sóc hỗ trợ chăm sóc trẻ em vào ban ngày.
Động thái tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu mới được thực hiện chỉ có tác động rất ít tới việc cải thiện triển vọng thị trường lao động. Lương tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa (nơi làm việc của 88% lao động) vẫn thấp hơn nhiều so với mức lương tại các tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn có lợi thế so với Nhật Bản. Mặc dù các gói kích thích của chính phủ đã khiến nợ quốc gia tăng lên, tỷ lệ nợ/GDP vẫn ở mức khá thấp (khoảng 37%). Nợ công của Nhật Bản đã vượt quá 220% GDP.
Bên cạnh đó, mặc dù Hàn Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu, tiêu dùng trong nước đang nở rộ. Và, đầu tư vào công tác R&D sẽ giúp cải tiến công nghệ. Do đó, Hàn Quốc có thể giải quyết một trong hai thách thức lớn đối với nền kinh tế: sản lượng của ngành dịch vụ ở mức thấp.
Hiện nay, năng suất của ngành dịch vụ đang thấp hơn 6 lần so với ngành sản xuất. Hoạt động của các chaebol nên được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ tăng năng suất của khu vực dịch vụ. Nếu các chaebol tiếp tục tự quảng cáo, tìm vốn và tự làm công việc IT, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị bỏ đói.
Trong dài hạn, triển vọng của Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động. Tỷ lệ phụ thuộc được dự đoán sẽ vượt quá 50% vào năm 2030 – khi 36% dân số bước qua tuổi 65. Đây sẽ là một thảm họa dành cho xứ sở kim chi. Chi phí y tế tăng lên và đè nặng lên ngân sách. Mặc dù làn sóng nhập cư có thể giúp giảm bớt áp lực đối với lực lượng lao động, điều này vấp phải phản ứng của dư luận. Tỷ lệ tăng trưởng được dự đoán sẽ giảm 2,5%.
Hàn Quốc đã học được không ít bài học tích cực từ Nhật Bản: nắm bắt nhiều thị trường xuất khẩu của Nhật Bản, nhập khẩu công nghệ từ Nhật Bản và biến đổi chúng cho phù hợp và chaebol là mô hình phình to của zaibatsu (các tập đoàn tài phiệt dưới thời Minh Trị).
Tuy nhiên, giờ đây, Hàn Quốc phải học hỏi cả thất bại của Nhật Bản. Hàn Quốc không nên chậm trễ trong tái cơ cấu.
Các lãnh đạo Hàn Quốc không cần phải tìm kiếm đâu xa để biết điều gì sẽ xảy ra nếu họ thất bại trong việc giải quyết những thách thức một cách nhanh chóng và triệt để.
Thu Hương