Hiểu thêm về cải cách "lớn chưa từng có" của Trung Quốc
Các nguồn thạo tin cho biết kế hoạch 383 sẽ tập trung vào ba cải cách lớn, 8 khu vực cốt lõi và 3 gói kích thích.
- 04-11-2013Cải cách ở Trung Quốc: "Canh bạc" ruộng đất
- 30-10-2013Trung Quốc sẽ cải cách sâu rộng
Ngày 9/11 tới, Đại hội Trung ương III khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bắt đầu diễn ra ở Bắc Kinh. Đây là đại hội vạch ra những điểm mấu chốt trong chính sách kinh tế của Trung Quốc trong những năm sắp tới. Không có gì đáng ngạc nhiên, những chính sách này sẽ ảnh hưởng đến cả kinh tế thế giới.
Điểm đáng chú ý của cuộc họp lần này là sẽ mở đầu cho một loạt cải cách lớn khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thay đổi mạnh mẽ. Những cải cách này vốn đã được chờ đợi từ lâu.
“Kế hoạch 383”
Mặc dù các kiến nghị về cải cách được đưa ra bởi rất nhiều think tanks (các nhóm nghiên cứu chính sách, sách lược phát triển kinh tế), kế hoạch cải cách có hai tác giả nổi bật nhất: Li Wei và Liu He. Li Wei từng là thư ký cho cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ – người được biết đến với những chính sách cải cách kinh tế mạnh mẽ. Người thứ hai là Liu He, người hiện là cố vấn kinh tế quan trọng cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các nguồn thạo tin cho biết kế hoạch 383 sẽ tập trung vào ba cải cách lớn, 8 khu vực cốt lõi và 3 gói kích thích. Cải cách tập trung vào thị trường, chính phủ và doanh nghiệp. Mỗi phần của kế hoạch cải cách đều hướng tới mục đích giảm thiểu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.
8 ngành cốt lõi bao gồm tài chính, thuế, tài sản nhà nước, phúc lợi xã hội, đất đai, đầu tư nước ngoài, cải tiến công nghệ và quản trị tốt.
Cuối cùng, cải cách mong muốn nới lỏng kiểm soát đối với thị trường, thành lập các gói an sinh xã hội cơ bản và cho phép bán đất nông nghiệp bị trưng thu. Chế độ đăng ký hộ khẩu (vốn đang hạn chế dòng người nhập cư) sẽ dần dần được loại bỏ.
Mô hình tăng trưởng mới của Trung Quốc
Các sáng kiến cải cách mới sẽ đi kèm với việc giảm bớt luật lệ trong khu vực tài chính. Quy trình này được hỗ trợ khu vực thương mại tự do Thượng Hải vừa mới được thành lập.
Trong khi khu vực thương mại tự do thể hiện mong muốn biến đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền hoàn toàn tự do chuyển đổi trong một vài năm tới, các nhà cải cách của Bắc Kinh hi vọng nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền quốc tế và đồng tiền dự trữ quốc tế trong 1 thập kỷ nữa.
Mô hình tăng trưởng mới của Trung Quốc được xây dựng dựa trên những điểm mấu chốt được hình thành bởi Liu He. Ông cùng các đồng nghiệp trong đội đã cùng với Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và World Bank xây dựng dự án "Trung Quốc 2030". Tuy nhiên, 383 là kế hoạch trung hạn, kéo dài đến năm 2020.
Mô hình tăng trưởng mới của Trung Quốc sẽ chuyển từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng. Đối với khu vực tư nhân, điều này có nghĩa là chuyển từ hiệu quả chi phí sang cải tiến sáng tạo. Mô hình mới đòi hỏi phát triển bền vững, quản lý tốt hơn ở cấp địa phương và hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới.
Mặc dù kế hoạch cuối cùng có nhiều điểm khác biệt so với những kiến nghị ban đầu, các lãnh đạo ở Bắc Kinh đã thông qua và kế hoạch cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Những năm tháng chuẩn bị
Trong suốt 2 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã gặp khá nhiều khó khăn. Mùa xuân năm ngoái, giới phân tích rộ lên tranh cãi với nhiều quan điểm trái chiều về sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc. Rất nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc đang hướng tới kịch bản “hạ cánh cứng” hoặc đang bị mắc kẹt. Trên thực tế, ổn định và tăng trưởng vẫn là những gì Trung Quốc đã đạt được.
Mùa hè năm 2012, Trung Quốc bắt đầu phát tín hiệu cải cách lớn đối với hệ thống tài chính. Nền kinh tế cũng bắt đầu hồi phục kể từ khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng tiền tệ vào mùa thu năm 2011.
Tuy vậy, nhiều người vẫn hoài nghi về nền kinh tế Trung Quốc cũng như dự đoán nước này sẽ phải đối mặt với bất ổn về chính trị. Thế nhưng, các số liệu cho thấy, sau khi “hạ cánh mềm”, Trung Quốc đang chuyển sang hướng phục hồi.
Trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, hầu hết các học giả phương Tây cũng cho rằng phe cải cách đã thua trận ở Bắc Kinh. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình vẫn triển khai cải cách trên diện rộng.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều thử thách đang đón chờ Trung Quốc ở phía trước. Đặc biệt, Bắc Kinh phải kiểm soát được quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh nợ của các địa phương ngày càng tăng cao.
Dẫu vậy, rốt cục thì Trung Quốc không còn lựa chọn nào ngoài cải cách, như Thủ tướng Lý Khắc Cường vừa nói: “Chúng ta không thể duy trì đà tăng trưởng nếu không có cải tổ và nâng cấp”.
Thu Hương