Hiểu thêm về cơ chế tự ngắt trên TTCK Trung Quốc
Giống như một chiếc cầu chì, dưới một số điều kiện đặc biệt, cơ chế này giúp thị trường ngừng giao dịch đúng lúc và sau đó có thể mở cửa trở lại nhanh hơn và dễ dàng hơn.
- 07-01-2016Nhìn lại chính sách tỷ giá trung tâm của Trung Quốc trong năm qua
- 07-01-2016Chứng khoán Trung Quốc lại ngừng giao dịch khi vừa mở cửa
- 06-01-2016Chứng khoán Trung Quốc "lao đao" vì giao dịch qua... WeChat
Trong nỗ lực kiềm chế nhà đầu tư bán tháo trong sự hoảng loạn, các sàn giao dịch chứng khoán thường thực hiện một số bước can thiệp, trong đó có cơ chế tự ngắt. Giống như một chiếc cầu chì, dưới một số điều kiện đặc biệt, cơ chế này giúp thị trường ngừng giao dịch đúng lúc và sau đó có thể mở cửa trở lại nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Khi nào thì thị trường tự động ngừng giao dịch?
Trung Quốc vừa ra chính sách mới có hiệu lực từ 1/1/2016 quy định thị trường sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút nếu chỉ số CSI 300 giảm 5% và ngừng giao dịch trong cả ngày hôm đó nếu mức giảm vượt quá 7%.
Ngoài ra Trung Quốc cho phép biên độ ở mức 10%, tức là nếu một cổ phiếu tăng hoặc giảm quá 10% trong một phiên nó sẽ phải ngừng giao dịch.
Một số chuyên gia cho rằng mức 7% là quá thấp. Ở Mỹ, theo quy định được Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) thông qua năm 2012, thị trường sẽ ngừng hoạt động theo nhiều cấp độ khi chỉ số S&P 500 giảm 7% (cấp độ 1), 13% (cấp độ 2), 20% (cấp độ 3) so với phiên đóng cửa trước đó.
Thị trường sẽ ngừng giao dịch nếu S&P 500 giảm cấp độ 1 hoặc 2 trước 3h25 chiều, và không bị ảnh hưởng nếu đã quá 3h25.
Thị trường đóng cửa sớm nếu mức giảm lên đến 20%.
Thị trường tự ngắt lần đầu tiên khi nào?
Luật lệ này được đưa ra sau “ngày thứ Hai đen tối” năm 1987. Ngày 19/10/1987, thị trường giảm 508,32 điểm, tức 22,6%. 500 tỷ USD đã bốc hơi. Đây là mức giảm điểm lớn nhất trong lịch sử.
Cơ chế này được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 10/1989, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm quá mạnh.
Cho đến năm 1997, các thị trường vẫn sử dụng số điểm giảm để làm thước đo thay vì số phần trăm.
Tại sao sàn chứng khoán Thượng Hải áp dụng cơ chế tự ngắt?
Theo thông báo được Ủy ban chứng khoán Trung Quốc đưa ra, cơ chế tự ngắt sẽ ngăn việc những biến động quá lớn (theo cả hai chiều) khiến thị trường biến động quá mạnh và mất kiểm soát. Với các thị trường nội địa vẫn trong giai đoạn sơ khai và chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, biến động là một đặc trưng không thể tránh khỏi của chứng khoán Trung Quốc.
Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp ổn định thị trường, ngăn nhà đầu tư phản ứng thái quá và cho họ thêm thời gian để đánh giá liệu mức giá hiện tại có hợp lý hay không.
Chỉ số CSI 300 được chọn vì đại diện cho phần lớn cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên cả hai sàn.
Nhà đầu tư nghĩ gì?
Hao Hong, chuyên gia của Bank of Communications International, chia sẻ với CNBC rằng cơ chế này trùng lặp với quy định về biên độ sẵn có và do đó không cần thiết. “Bạn có thể tưởng tượng tình huống thị trường vừa mở cửa đã giảm 7% và đóng cửa nguyên ngày hôm đó. Ngày hôm sau áp lực bán ra sẽ càng lớn hơn. Thật kỳ lạ khi giới chức quyết định áp dụng quy định này”.
Sau khi phải đóng cửa hôm 4/1, chứng khoán Trung Quốc hồi phục trong những phiên tiếp theo nhờ sự can thiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, 3 ngày sau, động thái phá giá nhân dân tệ của NHTW Trung Quốc khiến áp lực là quá lớn và kết quả là thị trường đã phải đóng cửa ngay khi vừa mở cửa.