Hỗn loạn khi Hi Lạp mở lại các ngân hàng
Những cảnh tượng hỗn loạn đã xảy ra khi hàng nghìn người cao tuổi ở Hi Lạp bao vây các ngân hàng đang chìm trong khủng hoảng của nước này ngày 1-7.
- 01-07-20159 điều cần biết về vụ vỡ nợ của Hy Lạp
- 01-07-2015Khủng hoảng ở Hy Lạp và bài học về kiểm soát dòng vốn
- 30-06-2015Nhà giàu thế giới mất 70 tỷ USD trong ngày hôm qua
Chính phủ đã ra lệnh cho ngân hàng mở cửa trở lại, nhưng chỉ để người già được rút tiền lương hưu.
Chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras đã cho phép khoảng 1.000 điểm giao dịch của ngân hàng mở cửa trở lại trong ba ngày để những người về hưu không có thẻ tín dụng có thể rút 120 euro nhằm sống sót cho tới cuối tuần.
Các hạn chế tài chính mới chỉ cho phép người dân Hi Lạp rút 60 euro mỗi ngày với một thẻ tín dụng hay thẻ ATM. Nhưng nhiều người già không có thẻ mà chỉ có tài khoản tiết kiệm.
Những người có thẻ sẽ không được rút 120 euro.
Tìm cách sống sót
Những hàng người dài ngay lập tức xuất hiện ở các chi nhánh ngân hàng khắp Hi Lạp, nhiều người lớn tuổi bày tỏ sự giận dữ vì bị đối xử thiếu tôn trọng.
“Tôi đi rút tiền, tôi biết bao nhiêu đây là không đủ, nhưng tôi chỉ có thể rút từng ấy - Dyonisia Zafiropoulou, một nhân viên về hưu của Công ty điện lực quốc gia DEI, nói: "Tôi đã sống qua thời quốc xã chiếm đóng (Thế chiến thứ hai), tôi đã nếm đủ mùi khó khăn và tôi tin chúng tôi sẽ vượt qua được”.
Một thủy thủ về hưu giấu tên nói rằng ông không còn tiền để mua thuốc cho vợ đang ốm nặng. “Tôi nhọc nhằn 50 năm trên biển và giờ phải đi xin 120 euro. Tôi không có tiền mua thuốc cho vợ, vợ tôi vừa phẫu thuật và nằm liệt giường” - ông nói.
Người dân tiếp tục biểu tình
Tại thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp, Thessaloniki, một nhóm 200 người về hưu đã tổ chức biểu tình bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Quốc gia Hi Lạp.
“Tôi cảm thấy hổ thẹn cho đất nước này. Bọn họ đều phải chịu trách nhiệm, cả Samaras và Tsipras (cựu thủ tướng và thủ tướng đương nhiệm)” - một người về hưu ở Thessaloniki nói.
Filipos Iliadis, 70 tuổi, hiện đang phải sống với mức lương hưu 400 euro mỗi tháng, so với 700 euro trước cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng ông nói mình còn may mắn chán vì đã trả hết tiền góp mua nhà sau 33 năm làm nghề thợ in.
“Nếu họ còn áp đặt thêm các biện pháp khắc khổ nữa, chúng tôi coi như chết chắc - Iliadis nói - Chúng tôi chỉ sống nổi với khoản thu nhập hiện giờ vì đã học được cách sống sót qua những ngày khó khăn nhất”.
Không chỉ có những người già bị đẩy vào tình cảnh khốn khó. Thomas, 32 tuổi, làm kế toán ở một công ty tài chính, nói: “Thật tệ hại. Cá nhân tôi không nghĩ sẽ có gì khác từ chính quyền mới này và người dân Hi Lạp sẽ không thể có những ngày tốt đẹp hơn chừng nào họ còn ở trong hệ thống tư bản chủ nghĩa của châu Âu”.
Thomas giờ đang cân nhắc theo chân hai người bạn chuyển ra nước ngoài sinh sống, một tới London và một tới Amsterdam.
“Tôi cho rằng rời EU là lựa chọn tốt nhất cho Hi Lạp, để chúng tôi có thể tự sử dụng các tài nguyên thiên nhiên của mình - anh nói - Sáu tháng đầu có thể khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ tìm lại sự cân bằng cần thiết”.
Không như những lo sợ được thông tin trên báo chí, rất nhiều người Hi Lạp, giống như Thomas, không phản đối khả năng Athens tuyên bố vỡ nợ.
Người dân vây trước cửa chi nhánh Ngân hàng Quốc gia ở Athens ngày 1-7 - Ảnh: Startribune
Từ khi Hi Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính hiện giờ năm 2009, người dân đã phải sống với thuế má cao hơn, thu nhập bị cắt giảm và tỉ lệ thất nghiệp 25%, với người trẻ là 60%.
“Tôi chẳng sợ chút nào - Vaso Gova, 50 tuổi, đang làm tạp vụ ở Bộ Kinh tế, nói - Tôi có gì phải sợ chứ? Chúng tôi vốn đã phá sản rồi. Tôi chẳng thể nào nghèo hơn nữa”.
Cũng dễ hiểu là bà sẽ bỏ phiếu thế nào trong cuộc trưng cầu ý dân vào cuối tuần này về việc Hi Lạp có chấp nhận các biện pháp khắc khổ mới hay không.
“Rốt cuộc tôi đã có thể nói có hoặc không với sự bắt nạt của người Đức - Gova nói - Tương lai của con cháu chúng tôi là trong tay chúng tôi. Tôi muốn danh dự và tự do trở lại với đất nước này, muốn thoát khỏi những kẻ áp bức”.
Nhiều người Hi Lạp khác chia sẻ quan điểm đó. Leonidas Papadopoulos, 33 tuổi, một nhà hoạt động của phong trào “We Won’t Pay” (Chúng tôi sẽ không trả) nói: “Người dân Hi Lạp đều nói không với những kẻ tống tiền và những tối hậu thư, chúng tôi sẽ trả lời với sự kiên cường, đoàn kết và tự hào”.
Papadopoulos nói anh đang làm bác sĩ thực tập và kiếm được khoảng 800 euro mỗi tháng, nhưng đã chi một nửa số tiền đó cho phong trào “We Won’t Pay”.
Alexandros Markonatos, 20 tuổi, đang giúp việc cho quán cà phê của gia đình tại khu trung lưu ở Kypseli, nói: “Tôi không sợ phá sản. Tôi làm gì có tiền”.
Nhưng Markonatos biết một số người Hi Lạp khác lo sợ. Anh phục vụ cà phê giảm giá cho hơn một chục người về hưu tới quán vào mỗi sáng. “Hai tuần đầu sau khi có lương họ sống được, nhưng cũng chỉ đủ cái ăn. Họ chỉ dám chi vài euro cho một tách cà phê và trò chuyện với bạn bè. Đó là sự giải trí duy nhất mà họ dám bỏ tiền” - Markonatos nói.