Hồng Kông “xuất khẩu” người già sang Trung Quốc
Giờ đây, dưới áp lực phải cung cấp nhà ở cho gần 30.000 người già, Hồng Kông đang coi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc là câu trả lời cho vấn đề dân số.
- 26-03-2014Hong Kong vẫn là thành phố đắt đỏ nhất thế giới để sống và làm việc
- 07-10-201320% dân Hong Kong sống dưới mức nghèo khổ
Hồng Kông vừa đưa ra một ý tưởng “mang màu sắc cổ tích” để đối phó với dân số già và thiếu hụt đất đai: “xuất khẩu” người già sang Trung Quốc đại lục. Hơn thế nữa, các chuyên gia cho rằng giải pháp của Hồng Kông cũng đang hướng tới mục tiêu làm dịu căng thẳng đang ngày càng tăng giữa người dân Hồng Kông và đại lục.
Trong một vài năm trở lại đây, một vài nhà hoạt động ở Hồng Kông đã lên tiếng phản đối những “bà mẹ đại lục”- những người tới Hồng Kông để sinh con để lách luật chính sách một con hoặc hưởng thụ hệ thống y tế và giáo dục nơi đây.
Bộ phận trên 65 tuổi được dự đoán sẽ chiếm hơn 1/3 dân số Hồng Kông vào năm 2050. Hồng Kông cũng là một trong những nơi có tỷ lệ nghèo đói trong người già cao nhất trong các nước phát triển. Giờ đây, dưới áp lực phải cung cấp nhà ở cho gần 30.000 người già, Hồng Kông đang coi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc là câu trả lời cho vấn đề dân số.
Ng Ping Yiu (71 tuổi) đang sống trong một viện dưỡng lão ở Thâm Quyến. Ông đã bắt đầu giới thiệu nơi này với bạn bè ở Hồng Kông. “Ở đây có núi và cây xanh… Ở đây không tiện lợi bằng Hồng Kông, nhưng không có quá nhiều điểm khác biệt”, ông Ng nói.
Sự thiếu hụt các trung tâm chăm sóc người già khiến ông Ng phải sang Trung Quốc không phải là điều lạ ở Hồng Kông. Trên thực tế, chính Trung Quốc cũng phải xem xét lại chính sách đối với người già – bộ phận được ước tính đến năm 2050 sẽ chiếm 1/4 dân số.
Tuy nhiên, khó khăn của Hồng Kông bị nhân lên gấp bội khi giá bất động sản ở đây vào hàng cao nhất thế giới. Sống trong căn hộ chỉ có 1 phòng chính, 1 bếp và 1 phòng tắm, ông lão 87 tuổi Ng Shui Wing thậm chí không có đủ không gian để sắp xếp đồ đạc.
Ông đã chờ đợi suốt 4 năm nay để nhận chỗ trong viện dưỡng lão. Tuy nhiên, ông cũng cho biết không có ý định sẽ tới Quảng Đông. Ông muốn ở lại để chăm sóc người vợ đã già yếu.
Chương trình chuyển người già sang các viện dưỡng lão ở đại lục sẽ bắt đầu được triển khai vào tháng 7. Tuy nhiên, chính phủ Hồng Kông sẽ phải cung cấp một số ưu đãi, trong đó bao gồm đảm bảo về chăm sóc y tế. Trong quá khứ, những người nghỉ hưu ở đại lục thường sang Hồng Kông để thăm khám. Họ không thể chi trả chi phí y tế quá đắt đỏ ở Trung Quốc.
Hội người cao tuổi – cơ quan tư vấn cho chính quyền Hồng Kông và cũng là cơ quan đầu tiên đề xuất chương trình gửi người già Hồng Kông sang Trung Quốc – cũng đang ráo riết vận động xây dựng các viện dưỡng lão ở vị trí gần với Hồng Kông hơn và trang bị cơ sở vật chất tốt hơn.
Hồng Kông cũng không buộc người già phải tới Quảng Đông hay đại lục. Chương trình này chỉ cung cấp cho cư dân Hồng Kông thêm một lựa chọn.
Thu Hương