Hy Lạp chính thức vỡ nợ
Số nợ mà Hy Lạp không thể trả lại cho IMF là lớn nhất từ trước tới nay, bắt nguồn từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm mục đích điều chỉnh chính sách tiền tệ và ổn định lại tỷ giá hối đoái.
- 30-06-2015Dow Jones giảm 350 điểm vì Hy Lạp
- 29-06-2015El-Erian: Xác suất Hy Lạp rời eurozone lên tới 85%
- 29-06-2015Toàn bộ các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa
Hy Lạp đã trở thành nền kinh tế phát triển đầu tiên trên thế giới không thể hoàn trả khoản nợ đúng hạn cho IMF và gia nhập vào nhóm các nước từ Cuba tới Zimbabwe sau khi các cuộc đàm phán về gói cứu trợ đổ vỡ.
Sau 6h chiều hôm qua (30/6), người phát ngôn Gerry Rice của IMF chính thức tuyên bố Hy Lạp đang ở trong tình trạng khất nợ. Hôm qua cũng là ngày mà chương trình cứu trợ dành cho Hy Lạp của châu Âu hết hạn.
Giờ đây NHTW châu Âu (ECB) sẽ phải xem xét sự kiện không thể trả nợ cho IMF tác động như thế nào đến khả năng thanh toán của các ngân hàng Hy Lạp khi thảo luận về chương trình cứu trợ khẩn cấp. Xa hơn nữa, quyết định của ECB sẽ ảnh hưởng đến việc Hy Lạp có ở lại eurozone hay không.
Theo David Stubbs, chuyên gia đến từ quỹ đầu tư của ngân hàng JPMorgan Chase, nếu Hy Lạp chọn “không” đồng ý với các điều kiện của các chủ nợ trong cuộc trưng cầu vào ngày 5/7 tới, xác suất Hy Lạp rời eurozone sẽ tăng lên. Đồng thời khả năng điều này xảy ra đã tăng cao hơn so với trong quá khứ.
Số nợ mà Hy Lạp không thể trả lại cho IMF là lớn nhất từ trước tới nay, bắt nguồn từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm mục đích điều chỉnh chính sách tiền tệ và ổn định lại tỷ giá hối đoái.
Dù vậy theo 3 hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới là Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s, Hy Lạp chưa được gọi là vỡ nợ vì từ này chỉ được sử dụng khi một nước không thể hoàn trả khoản nợ cho các chủ nợ tư nhân. Những định chế như IMF là trường hợp ngoại lệ.
Các quốc gia rơi vào cảnh như Hy Lạp sẽ không còn đủ tư cách để nhận thêm tiền cứu trợ. Hy Lạp đang xin gia hạn nhưng theo cựu chuyên gia của IMF Andrea Montanino, có rất ít cơ hội IMF sẽ chấp thuận yêu cầu này.
Trong khi đó theo Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, mặc dù sự kiện của Hy Lạp sẽ không khiến IMF thay đổi cách hoạt động, điều này sẽ làm dấu lên hoài nghi về vị thế chủ nợ của IMF. Từ đó những định chế tài chính đa phương khác như World Bank cũng sẽ khó có thể duy trì được mức xếp hạng hàng đầu.