IMF: Trung Quốc tiến gần cơ chế thả nổi tỷ giá đồng nội tệ
IMF không kỳ vọng Trung Quốc có thể hoàn tất ngay cơ chế thả nổi tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ với đồng USD, mà thay vào đó Chính phủ vẫn sẽ duy trì chính sách “thả nổi có kiểm soát.”
Theo đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Trung Quốc Markus Rodlauer, các động thái quản lý đồng nhân dân tệ mới đây của Chính phủ Trung Quốc cho thấy nước này "đang tiến gần hơn tới cơ chế thả nổi tỷ giá" giữa đồng nhân dân tệ với đồng USD.
Theo ông Rodlauer, trên lý thuyết chế độ tỷ giá hối đoái mới cho phép giá trị đồng nhân dân tệ dao động khoảng 10% trong vòng một tuần và tiến gần hơn tới ngưỡng mà thị trường có thể tự thiết lập.
Ông Rodlauer cho biết Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ, song điều đó sẽ vẫn chỉ đặt nền tảng cho một sự linh hoạt lớn hơn.
Theo ông Rodlauer, IMF không kỳ vọng Trung Quốc có thể hoàn tất ngay cơ chế thả nổi tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ với đồng USD, mà thay vào đó Chính phủ vẫn sẽ duy trì chính sách “thả nổi có kiểm soát.” Tuy nhiên, IMF hy vọng Trung Quốc sẽ hoàn thiện cơ chế này trong vòng từ hai đến ba năm tới.
Ông Rodlauer cho rằng mặc dù đồng nhân dân tệ giảm giá, cùng với đó là sự ra đời của một chế độ tỷ giá hối đoái mới, nhưng IMF “linh cảm” rằng đồng nội tệ nước này đã chấm dứt tình trạng bị định giá thấp - một yếu tố quan trọng chi phối các quan hệ thương mại và chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.
Bình luận của ông Rodlauer được đưa ra sau khi IMF công bố báo cáo thường niên về tình hình kinh tế Trung Quốc.
Báo cáo thường niên của IMF “chấm điểm cộng” cho Bắc Kinh trong việc “lèo lái” nền kinh tế trong giai đoạn giảm tốc, bắt đầu tự do hóa hệ thống tài chính và kiềm chế nguồn đầu tư quá mức vào bất động sản cũng như các tài sản khác được cho là gây nguy hiểm cho sự ổn định của hệ thống tài chính.
Báo cáo nhấn mạnh kinh tế Trung Quốc đang chuyển dịch sang "trạng thái bình thường mới," tuy tăng trưởng chậm hơn nhưng an toàn và bền vững hơn.
Bắc Kinh đã thành công trong việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng qua việc thắt chặt quản lý các ngân hàng “ngầm,” vượt qua được thời gian thị trường chứng khoán “lao đao” và đi theo định hướng tăng trưởng dựa trên tiêu dùng mà IMF cũng như các thể chế khác đề xuất trước đó./.
Vietnam+