MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Indonesia - "Con hổ" vừa tỉnh giấc của châu Á

24-03-2016 - 14:45 PM | Tài chính quốc tế

​Nếu thực hiện thành công các cải cách cần thiết và tận dụng cấu trúc dân số thuận lợi, nền kinh tế của Indonesia sẽ cất cánh.

Bao gồm hơn 13.500 hòn đảo nằm rải rác trên diện tích 2 triệu km2, là nhà của 250 triệu người nói hơn 700 thứ tiếng và là nơi xuất hiện gần như mọi tôn giáo trên trái đất, chỉ có Ấn Độ mới sánh được danh hiệu “quốc gia đa dạng nhất thế giới” của Indonesia.

Ngân hàng Thế giới xếp Indonesia là “nước thu nhập trung bình thấp”, nhưng sự đánh giá này không chỉ ra được tính không đồng nhất về kinh tế của nước này. Hơn một nửa dân số của Indonesia sống ở quần đảo Java tương đối đông đúc và thịnh vượng, trong đó 1/10 người dân sống ở vùng Jakarta mở rộng. Ngược lại, ở các vùng Riau, East Kalimantan và West Papua giàu tài nguyên, GDP trên đầu người đạt mức 6.000 USD một năm trong khi cư dân ở các hòn đảo phía đông và phía nam xa xôi, đặc biệt là những nơi không có tài nguyên thiên nhiên, thì chỉ có GDP trên đầu người chưa đến 2000 USD.


Tốc độ tăng trưởng của các khu vực

Tốc độ tăng trưởng của các khu vực

Joko Widodo, thường được gọi là Jokowi, đắc cử tổng thống Indonesia vào tháng 7 năm 2014. Sau khi lên nắm quyền, ông đã mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng cho Indonesia là 7%, tốc độ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á trong cuối thập niên 1990.

Trên thực tế, nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Các số liệu sơ bộ cho thấy GDP năm ngoái của Indonesia chỉ tăng trưởng 4,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Nếu chỉ nhìn vào GDP thì Indonesia vẫn là nền kinh tế lớn nhất ASEAN, nhưng cách khá xa so với Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia Châu Á duy nhất có dân số đông hơn và có sức tăng trưởng kinh tế mà Indonesia luôn khao khát bắt kịp. Nhưng tính theo GDP trên đầu người, Indonesia tụt hậu khá xa so với các nước láng giềng như Malaysia và Thái Lan. Những nước này có số người nghèo thấp và kết cấu địa lý thuận lợi hơn, dẫn đến khả năng sản xuất cạnh tranh hơn.

Jokowi đã phát động một chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ông đã triển khai các chính sách giảm chi phí logistics và cải thiện kết nối hàng hải trong nước, nhờ đó tăng cường kết nối phía đông Indonesia với khu vực Java giàu có hơn.

Về mặt nhân khẩu học, ông đã chọn đúng thời điểm để làm điều này. Giống như Ấn Độ và Philippines, Indonesia có số người trong độ tuổi lao động lớn. Trái lại, lực lượng lao động của Thái Lan, Malaysia và đặc biệt là Trung Quốc, đang già hóa, và sẽ sớm suy giảm.

Bằng cách giảm chi phí vận chuyển hàng hóa ra và vào Indonesia, Jokowi hy vọng thu hút nhiều việc làm hơn, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ giá trị gia tăng, và nhờ đó giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Indonesia vào các ngành công nghiệp như khai khoáng và dầu cọ.


Sự chuyển đổi này đã có tiền lệ: trong thập niên 1970 và 1980, giá dầu sụt giảm khiến Indonesia tập trung thu hút đầu tư ở các ngành như chế biến thực phẩm và chế tạo ô tô. Khi người tiền nhiệm của Jokowi, Susilo Bambang Yudhoyono, nắm quyền vào năm 2004, hàng sản xuất và nguyên liệu thô chiếm tỷ trọng gần như ngang nhau trong GDP cả nước. Nhưng trong thời gian ông này tại vị, nhờ lực cầu từ phía Trung Quốc tăng, tỷ trọng nguyên liệu thô đã tăng vọt trong khi khu vực sản xuất suy giảm.

Nhưng để thúc đẩy khu vực sản xuất cần phải thực hiện các thay đổi chính sách, nơi mà Jokowi có thể gặp khó khăn. Chính phủ liên minh của ông chỉ kiếm soát 204 trong số 560 ghế ở Hạ viện Indonesia, ít hơn con số 259 ghế của liên minh Gerindra do Prabowo Subianto đứng đầu, người ông đã đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái. Phái Golkar, đứng thứ hai trong liên minh cầm quyền của ông về số ghế, đã tuyên bố theo đường lối trung lập và do đó vẫn chưa biết ngả theo phe nào.

Tính đến nay, Indonesia đã trải qua hai kỳ bầu cử trong yên ổn và trật tự. Tuy nhiên, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan lại đang trỗi dậy ở quốc đảo này. Gần 250 người Indonesia đã gia nhập nhà nước hồi giáo IS, trong khi hơn 2000 người khác tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố này. Sau một giai đoạn dài yên ắng, khủng bố đã quay lại Jakarta vào tháng 1 năm nay khi những kẻ cực đoan giết chết bốn dân thường ở quận trung tâm của thành phố.

Dù vậy, sự ủng hộ dành cho chủ nghĩa cực đoan ở Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, vẫn tương đối nhỏ. Nỗi lo lớn nhất của Indonesia vẫn là tốc độ tăng trưởng. Nếu Jokowi có thể thực hiện đúng cam kết tranh cử là đưa tăng trưởng trờ lại mức 7%, Indonesia có thể gặt hái thành quả của lợi thế nhân khẩu học hiện nay. Nếu ông thất bại, cái bẫy thu nhập trung bình đang chờ ở phía trước.

Long Nam

Economist

Trở lên trên