Indonesia - ứng viên sáng giá của BRICS
Chỉ số tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá ấn tượng, dân số đông, là những yếu tố cho phép so sánh với các thành viên của BRICS và mở triển vọng đưa quốc gia vào nhóm.
Mới đây, lãnh đạo Ủy ban về các vấn đề quốc tế thuộc Duma quốc gia Nga, ông Alexey Pushkov, cho rằng nhóm BRICS (5 nước có nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có khả năng chuyển thành BRIICS trong vòng 15 năm tới mà thành viên tiềm năng chính là Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, với đại đa số dân theo đạo Hồi.
Theo ông Pushkov, điều hôm nay còn mang tính suy đoán chỉ trong vòng 10-15 năm sẽ trở thành sự hiển nhiên. Chẳng hạn, cách đây 30 năm, ít ai nghĩ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc. Hôm nay, vai trò toàn cầu của Trung Quốc cũng như giá trị của các thành viên khác thuộc nhóm BRICS là sự thật không thể bàn cãi.
Có nhiều đánh giá khá lạc quan tiềm năng của Indonesia. Dữ liệu khảo sát về vấn đề tiêu dùng do tập đoàn Credit Suisse, Thụy Sĩ, thực hiện đối với hơn 14.000 công dân của 8 nền kinh tế thị trường mới nổi, nhận xét, Indonesia được đánh giá cao về triển vọng tài chính, là một thị trường đầy kỳ vọng và là một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Người thu nhập thấp của nước này đang ngày càng được cải thiện cả về thu nhập và thói quen tiêu dùng, 42% số người Indonesia được hỏi rất lạc quan về tình hình cải thiện tài chính của họ trong 6 tháng tới và tin rằng thu nhập của họ sẽ tăng lên 11%. Người tiêu dùng Indonesia có điểm xuất phát thấp với GDP bình quân đầu người chỉ có 3.660 USD nên đây chính là động lực cho “sự phát triển và sự lạc quan mạnh mẽ”.
Theo phân tích của Credit Suisse, nền kinh tế của quốc đảo này dự tính sẽ phát triển ở mức 5,6% trong năm nay và đang được thúc đẩy bởi mức đầu tư kỷ lục của các công ty trong và ngoài nước đang háo hức để tìm đến thị trường trung lưu đang phát triển. Đây là sáng kiến mà chính phủ nước này đã sử dụng để khuyến khích đầu tư tư nhân trong việc xây dựng khu vực chi tiêu cho cơ sở hạ tầng công cộng.
Chuyên gia kinh tế Nga Sergei Khestanov có cái nhìn rộng hơn. Ông cho rằng chỉ số tăng trưởng kinh tế của Indonesia khá ấn tượng, dân số đông, là những yếu tố cho phép so sánh với các thành viên của BRICS và mở triển vọng đưa quốc gia vào nhóm. Bổ sung Indonesia vào BRICS còn là việc làm hợp lý trước thực tế trung tâm kinh tế thế giới đang dịch chuyển về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị Alexander Orlov lo ngại rằng, sự xuất hiện của thành viên mới sẽ dẫn đến những vấn đề bổ sung đi kèm mâu thuẫn do đặc điểm và lợi ích không giống nhau. BRICS đã lên kế hoạch hợp tác chặt chẽ trên nhiều phương diện, liệu Indonesia có sẵn sàng và đủ sức thực hiện? Ngoài ra, thành viên mới sẽ phải cân đối lợi ích với chương trình nghị sự chung mà các nước BRICS đã đề ra. Thêm thành viên mới cũng đồng nghĩa thêm mâu thuẫn phức tạp.
Những đánh giá trên cùng với các thông tin về việc nhiều nước tỏ ý muốn gia nhập nhóm cho thấy BRICS có thể mở rộng thành BRIICS trong tương lai gần là điều rõ ràng. Bất chấp các vấn đề chưa đạt đồng thuận trong BRICS, 5 nước cũng như các nền kinh tế đang lớn mạnh có triển vọng phát triển rất tích cực.
Theo Việt Anh