IntercontinentalExchange mua lại NYSE Euronext, trở thành Sở GDCK lớn nhất thế giới
Với việc mua lại NYSE Euronext đã đưa ICE trở thành SGDCK lớn nhất thế giới xét về mạng lưới điều hành các SGDCK và Trung tâm thanh toán bù trừ toàn cầu.
Ngày 13/11/2013, Tập đoàn SGDCK Intercontinental (ICE- IntercontinentalExchange) đã công bố hoàn tất việc mua lại SGDCK NYSE Euronext trong một thương vụ mua bán đình đám được thực hiện bằng tiền và cổ phiếu, có giá trị xấp xỉ 11 tỷ USD kéo dài gần 1 năm (từ ngày 20/12/2012 khi công bố đồng ý mua NYSE Euronext tới nay). Với việc mua lại NYSE Euronext đã đưa ICE trở thành SGDCK lớn nhất thế giới xét về mạng lưới điều hành các SGDCK và Trung tâm thanh toán bù trừ toàn cầu và là một trong trong hai SGDCK lớn nhất xét về giá trị vốn hóa thị trường. Tại thời điểm hợp nhất, ICE có giá trị vốn hóa thị trường là 23 tỷ USD, đứng sau SGD hàng hóa Chicago (CME- Chicago Mercantile Exchange Group) có giá trị vốn hóa khoảng 27 tỷ USD. Công ty hợp nhất điều hành 16 SGDCK toàn cầu và 5 Trung thâm thanh toán bù trừ với nhiều loại tài sản tài chính như lãi suất, ngoại tệ, cổ phiếu, công cụ phái sinh, trái phiếu, giao dịch hàng hóa như kim loại, năng lượng, mặt hàng nông sản…
Ông Jeffrey C.Sprecher- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) của ICE cho biết: ICE hiện dẫn đầu thế giới cả về bề rộng và chiều sâu các dịch vụ tài chính, dẫn đầu về công nghệ, cho phép tiếp cận tốt nhất tới thị trường vốn và các thị trường tài chính. ICE tiếp tục theo đuổi mục tiêu khách hàng là ưu tiên hàng đầu, giữ vị trí trung tâm trong các hoạt động kinh doanh, giới thiệu nhiều sản phẩm tài chính mới và hướng tới việc đem lại những giá trị không giới hạn cho cả khách hàng và cổ đông.
Trong khi, NYSE Euronext được biết đến là tập đoàn SGDCK xuyên lục địa đầu tiên gồm nhiều SGDCK thành viên tại Châu Âu và Mỹ, thực hiện giao dịch cổ phiếu (1/3 giao dịch cổ phiếu toàn cầu), các sản phẩm phái sinh, các chứng khoán có thu nhập cố định như trái phiếu, các loại sản phẩm cơ cấu (structured products), các ETPs (Exchange Traded Products), ETFs… Việc hợp nhất NYSE Euronext vào ICE cho thấy xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các trung tâm tài chính của thế giới, cho thấy xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh đa dạng và liên kết lẫn nhau để gia tăng sức cạnh tranh giữa các SGD. Trong đó, ICE là một SGD điển hình trong thực hiện chính sách phát triển thông qua chiến lược thâu tóm các SGDCK khác nhau trên thế giới. Kể từ khi được thành lập năm 2000 đến nay, ICE đã thực hiện các cuộc thâu tóm như:
- Năm 2001, ICE mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực công cụ phái sinh bằng việc mua lại SGD đầu mỏ quốc tế (IPE- International Petroleum Exchange).
- Năm 2007, ICE mua lại thành công Sàn giao dịch New York (NYBOT- New York Board of Trade)- giao dịch các công cụ phái sinh hàng hóa (hiện nay là SGDCK ICE Futures US) và SGD hàng hóa Winnipeg của Canada (hiện nay là SGDCK ICE Futures Canada).
- Năm 2008, ICE hợp tác với SGD khí đốt (Natural Gas Exchange) thuộc Tập đoàn SGDCK Toronto của Canada nhằm mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thanh toán bù trừ.
- Năm 2010, ICE thực hiện mua lại SGD Thời thiết PLC (Climate Exchange) và SGD Thời tiết ECX (European Climate Exchange).
- Tháng 11/2013, ICE đặc biệt thành công trong việc mua lại SGD NYSE Euronext, đưa ICE là một trong những tập đoàn SGDCK lớn nhất thế giới.
Không dừng lại ở đó, ngày 19/11/2013 vừa qua ICE đã tuyên bố thông qua một thỏa thuận mua lại SGD hàng hóa Singapore- SMX (Singapore Mercantile Exchange) nhằm đặt viên gạch đầu tiên để thiết lập hạ tầng giao dịch và thanh toán tại khu vực Châu Á. Kế hoạch mua lại SMX được dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, 2013.
ICE đang cho thấy một tham vọng rất lớn trên thị trường tài chính thế giới.