Iran – điểm đầu tư sắp “nóng”?
Giới phân tích cho rằng các công ty nên bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư vào Iran ngay từ bây giờ.
- 28-09-2013Lần đầu tiên sau 34 năm, Tổng thống Mỹ và Iran "nói chuyện" với nhau
- 26-09-2013Mỹ gọi, Iran trả lời
- 16-06-2013Tổng thống đắc cử Iran: Bình mới rượu cũ?
Quan hệ ngoại giao của Iran với các nước khác đang dần nóng lên có thể mở ra cánh cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài.
2013 có thể được coi là một năm bản lề đánh dấu sự chuyển biến về mặt chính trị đối với Iran – quốc gia Trung Đông đã phải chịu đựng nhiều lệnh cấm vận ngặt nghèo suốt từ năm 1979 tới nay. Sau cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 6, Hassan Rouhani đã trở thành vị tổng thống kế nhiệm ông Mahmoud Ahmadinejad. Và, tháng trước, người đứng đầu nhà nước Iran đã có cuộc điện đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
“Iran không chỉ có dầu mỏ”, Matthew Spivack – chuyên gia đến từ hãng tư vấn đầu tư Frontier Strategy Group – nhận định. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế và nhóm hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods – FMCG) đang hướng tới Iran bởi đây là điểm đến hấp dẫn về mặt dân số.
Hiện nay, TTCK Tehran đang có 339 công ty niêm yết với tổng giá trị vốn hóa đạt 104,21 tỷ USD. Theo số liệu của World Bank, với 77 triệu người, Iran là quốc gia có dân số lớn thứ hai ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Iran có lượng dự trữ dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới và lượng dự trữ khí gas tự nhiên chỉ đứng sau Nga.
Spivack dự đoán khu vực công của Iran sẽ thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong dài hạn, đặc biệt là khu vực năng lượng. Nếu lệnh cấm được dỡ bỏ và Iran có thể bắt đầu bán dầu và khí trên thị trường mở (hiện nay Iran đã có nhiều hợp đồng giao dịch với Trung Quốc và Ấn Độ), cơ sở hạ tầng của Iran cần phải được nâng cấp.
Sven Richter, người phụ trách các thị trường sơ khai tại công ty quản lý tài sản Renaissance, là một chuyên gia khác cũng đang xem xét kỹ lưỡng cơ hội đầu tư vào Iran. Trên TTCK Tehran, các cổ phiếu ngân hàng và những kim loại cơ bản là những ngành “thời thượng” nhất, theo sau là cổ phiếu viễn thông.
Các giám đốc công ty cũng đang háo hức với thị trường Iran. Martin Sorrell - CEO của WPP (công ty quảng cáo lớn nhất thế giới xét theo doanh thu) – đã xếp Iran vào danh sách các thị trường mới nổi mà công ty ông đang xem xét, cho rằng những vấn đề về mặt chính trị đang có những bước chuyển biến tích cực.
Trong mấy tháng gần đây, Iran đã có các cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng với Liên hợp quốc về các chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Iran và Mỹ cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao diễn ra trong tháng 9 vừa qua.
Tờ New York Times cũng đưa tin Hossein Naqavi Hosseini - Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Chính sách đối ngoại của Iran – khẳng định nước này đã cắt giảm 20% hoạt động làm giàu uranium.
Mặc dù vậy, Spivack vẫn cho rằng nhà đầu tư nên cẩn trọng. Kể cả khi thỏa thuận mang tính chất đột phá được đưa ra, các chính sách cấm vận đã được triển khai hàng thập kỷ không thể dễ dàng được thu hồi. Chính sách ngoại giao của Iran cũng có thể bất ngờ bị đảo ngược.
(Xem thêm: Đồng nội tệ của Iran bên bờ sụp đổ hoàn toàn)
Tiền tệ cũng là một vấn đề bởi các lệnh cấm vận khiến giá trị của đồng rial biến động rất mạnh. Tháng 9/2012, dữ liệu từ website theo dõi đồng tiền của các nước vùng Vịnh Mazanex cho thấy đồng rial giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Một đồng nội tệ yếu ớt khiến nhập khẩu trở nên đắt đỏ và ảnh hưởng đến nhiều mặt (lương, cổ phiếu, giá nhà ở, lương hưu và giá vàng).
Thu Hương