MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Janet Yellen - Người phụ nữ mỉm cười cả khi bị phản đối

13-11-2015 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Trước mỗi cuộc họp của FOMC, Yellen dành nhiều giờ để nói chuyện với từng người một, để hiểu quan điểm của mỗi người.

Tỉ mỉ và thận trọng

Janet Yellen xuất thân từ gia đình không mấy khá giả tại Bay Ridge, Brooklyn. Cha của bà là bác sĩ trong thời kỳ Đại suy thoái. Mẹ bà là giáo viên tiểu học và khi sinh con thì chuyển sang làm chứng khoán. Đây chính là cơ duyên đưa Yellen đến với các vấn đề kinh tế.

Lớn lên, Yellen là học sinh tiêu biểu của trường trung học Fort Hamilton, đạt hàng loạt giải trong các môn toán, khoa học, tiếng Anh và là học sinh giỏi nhất, được vinh dự phát biểu trước toàn trường. Sau khi tốt nghiệp Đại học Brown, bà nhận bằng tiến sĩ kinh tế từ đại học Yale năm 1971. Giáo sư hướng dẫn bà là James Tobin- người từng là cố vấn của Tổng thống John F. Kennedy và đã được trao giải Nobel năm 1981. Ông cũng ủng hộ việc chính phủ can thiệp vào kinh tế.

Yellen tỉ mỉ ghi chép trong lớp đến nỗi mà Tobin cùng với bà đã viết sách cho sinh viên. Sự tỉ mỉ vẫn theo bà đến tận bây giờ. Đồng nghiệp vẫn nói bà dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị đứng trước công chúng. Còn theo bà, sự tỉ mỉ này giúp bà bình tĩnh để xử lý mọi tình huống.

Có vẻ như bà Yellen đã dành cả sự nghiệp để chuẩn bị cho chức chủ tịch của Fed. Trong suốt 15 năm kể từ năm 1977, Yellen giữ nhiều chức vụ Fed: chuyên viên kinh tế tại Washington, chủ tịch của Fed tại San Francisco Fed cho đến năm 2010 và sau đó là Phó chủ tịch Fed dưới thời của Bernanke. Bà là Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Bill Clinton vào những năm cuối thế kỷ trước. Từ tháng 2/2014, bà đảm nhận chức vụ lãnh đạo cao nhất của Fed.

Khi mới làm việc tại Fed, bà Yellen gặp nhà kinh tế học George Akerlof và kết hôn vào năm 1978. George Akerlof sau này đoạt giải Nobel. Tại trường Đại học California - Berkeley, bà Yellen cùng với chồng giảng dạy, phối hợp nghiên cứu, đặt nền móng cho kinh tế học Keynes mới về hiệu quả của các chính sách kinh tế và thị trường. Những người theo quan điểm mới chú trọng hơn vào thất bại của thị trường, chấp nhận rằng vai trò của chính phủ ngày càng quan trọng trong việc quản lý chu kỳ kinh tế. Ý tưởng này là tư duy của phần lớn các lãnh đạo ngân hàng trung ương hiện nay.

Yellen dùng kinh nghiệm của mình để tạo nên sự đồng thuận trong ngân hàng trung ương. Trước mỗi cuộc họp của FOMC, Yellen dành nhiều giờ để nói chuyện với từng người một, để hiểu quan điểm của mỗi người. Ông Richard Fisher, người không cùng chính kiến với Yellen cũng phải công nhận rằng nói chuyện với bà mang lại năng suất làm việc cao hơn. Những cuộc đối thoại kiểu này không nhằm mục đích tranh luận mà chỉ muốn xem xét yếu tố khác ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Cũng giống như Bernanke, trong cuộc họp của FOMC, trước khi phát biểu, Yellen luôn để các nhà hoạch định chính sách khác trình bày quan điểm. Đây cũng là một chiến lược, dựa trên nhiều thông tin từ những người khác.

Theo Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans, bà rất cẩn thận, lắng nghe tất cả mọi người, để thấu hiểu từng người.

Khi phải nhai đi nhai lại một vấn đề, người ta sẽ chán, không chịu được nữa. Điều này không đúng với Yellen. Bà tin rằng Fed chỉ có thể làm tốt được vai trò của mình khi có được đầy đủ thông tin từ các phía, phải nghe bằng cả hai tai.

Tuy cởi mở nhưng bà Yellen không phải là người dễ bị thuyết phục, vẫn chỉ đạo nếu cần thiết. Yellen rõ ràng là người mà Fed tìm kiếm để chỉ đạo, hướng dẫn về các vấn đề và chiến lược quan trọng.

Alan Blinder, một cựu phó chủ tịch Fed, miêu tả bà Yellen: Janet có khả năng mỉm cười ngay cả khi bị phản đối.

Sai lầm ngay khi vừa nhậm chức

Theo cựu Chủ tịch Bernanke, với kinh nghiệm đã có được, việc bà Yellen có phong thái tự tin trước đám đông là điều dễ hiểu. Bà Yellen từng là người phát ngôn của Fed, biết làm thế nào để nói chuyện với công chúng.

Tuy nhiên, bà Yellen cũng đã có sai lầm. Ngay trong cuộc họp báo đầu tiên với cương vị chủ tịch Fed, bà đã cho rằng Fed có thể bắt đầu tăng lãi khoảng 6 tháng sau khi kết thúc việc mua trái phiếu. Điều này làm giới đầu tư lo ngại rằng lãi suất sẽ tăng sớm, ngay trong nửa đầu của năm 2015.

Chính bà cũng đã cố gắng tìm cách khắc phục hậu quả ngay trong bài phát biểu khác, rằng "Fed sẽ tích cực hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới". Lời phát biểu này cùng với nhiều ý kiến đồng thuận của các lãnh đạo khác làm yên lòng giới đầu tư.

Dưới thời ông Bernanke, Yellen giúp Fed đại tu chiến lược truyền thông. Việc giải thích mục tiêu về tiền tệ một cách rõ ràng để người dân hiểu đã trở thành một công cụ chính sách, nhất là khi lãi suất gần bằng 0% và không thể giảm hơn được nữa.

Yellen không lạ gì với chu kỳ thắt chặt tín dụng của Fed. Là một thành viên của FOMC, bà đóng vai trò quan trọng khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất vào trong thời kỳ 1994-1995 và 2004-2006.

Năm 1994-1995, lãi suất tăng, dưới sự lãnh đạo của Greenspan được coi là một thành công, mở đường cho 6 năm tăng trưởng. Tuy nhiên nó cũng mang theo một vài tác dụng phụ. Lãi suất tăng, cạnh tranh trên thị trường trái phiếu cũng tăng. Để tránh những biến động của thời kỳ đó, Greenspan đưa ra phương pháp tiếp cận mới trong giai đoạn 2004-2006, tăng lãi suất dần dần để phân hoá thị trường. Tuy nhiên, khi nhìn lại, nhiều nhà quan sát cho rằng chính sách này của Fed góp phần gây ra bong bóng bất động sản.

Cũng trong thời gian này, các quan chức Fed báo hiệu họ sẽ cân bằng giữa các phương pháp để thắt chặt tín dụng, dựa trên dữ liệu về kinh tế và tài chính. Fed cố gắng cung cấp cho các nhà đầu tư đầy đủ thông tin để không bị bất ngờ.

Bây giờ, Yellen và các đồng nghiệp cũng đang cố gắng để các nhà đầu tư hiểu rằng lãi suất tăng từ từ, sử dụng từ "bình thường hoá" đối với chính sách tiền tệ. Nhưng chính từ này cũng phản ánh những khó khăn còn ở phía trước.

Fed hiện nay không có khả năng kiểm soát tỷ giá liên ngân hàng như trước. Quỹ dự trữ của các ngân hàng có nhiều hơn 2,5 nghìn tỷ USD, hơn cả mức tối thiểu mà Fed quy định. Vì vậy, nhu cầu sử dụng tỷ giá liên ngân hàng không nhiều. Lượng tiền mặt bơm vào thị trường qua các gói QE đã ở trong các quỹ thị trường tiền tệ, không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá liên ngân hàng. Ngân hàng trung ương cũng đang thử nghiệm với các giải pháp kỹ thuật để giải quyết tình trạng này.

Ngoài ra, Fed đang cố gắng thắt chặt tiền tệ trong khi phần lớn các nước trên thế giới đang nới lỏng. Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đẩy mạnh nền kinh tế bằng cách nới lỏng tiền tệ. Điều này làm đồng USD tăng giá, qua đó kiềm chế lạm phát.

Mặc dù bà Yellen có vẻ quyết tâm nhưng lo lắng rằng có khả năng Fed không thể thoát khỏi mức lãi suất gần bằng 0% hiện nay. Sau khi lãi suất tăng vào tháng 9, hàng loạt sự kiện toàn cầu diễn ra, người ta đặt ra câu hỏi: "sẽ còn điều gì bất ngờ xảy đến nữa?". Lãi suất sẽ tăng lên. Nhưng chính sách tiếp theo của Fed sẽ nhu thế nào là câu hỏi mà chưa có lời đáp thích hợp.

Thu Trang

Bloomberg

Trở lên trên