Jim O’Neill thôi giữ chức chủ tịch công ty quản lý tài sản Goldman Sachs
"Cha đẻ" của cụm từ BRIC sẽ nghỉ hưu trong năm nay.
Bloomberg trích dẫn thông báo vừa được Goldman Sachs đưa ra hôm qua (5/2) cho hay Jim O’Neill – chuyên gia kinh tế đến từ tập đoàn Goldman Sachs và là cha đẻ của cụm từ các nước mới nổi (BRIC: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) cũng như chiến lược đầu tư vào BRIC – sẽ nghỉ hưu trong năm nay.
Jim O’Neill hiện đang ở tuổi 55 và bắt đầu làm việc tại Goldman Sachs từ năm 1995. Năm 2001, ông trở thành người phụ trách bộ phận nghiên cứu chiến lược về kinh tế toàn cầu cũng như thị trường hàng hóa. Năm 2006, ông trở thành thành viên của ủy ban quản lý châu Âu.
“Ở mỗi vị trí, Jim đều phục vụ khách hàng với cái nhìn rõ ràng chính xác về kinh tế toàn cầu cũng như các xu hướng trên thị trường, giúp họ định vị được những cơ hội đầu tư quý giá nhất”, CEO Lloyd C. Blankfein và Chủ tịch Gary D. Cohn của tập đoàn Goldman Sachs viết trong thông báo.
O’Neill cho biết ông vẫn chưa quyết định sẽ làm gì sau khi rời khỏi Goldman Sachs. Tim O’Neill và Eric Lane sẽ là 2 người thay thế ông trở thành người quản lý bộ phận quản lý tài sản.
O’Neill đã phát triển học thuyết BRICs sau sự kiện nước Mỹ bị khủng bố tấn công ngày 11/9 và sau khi trở thành chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs. Học thuyết này khẳng định tầm ảnh hưởng của kinh tế Mỹ đối với kinh tế thế giới đang dần phai nhạt. Trước đó, Mỹ luôn là trung tâm của các dự báo kinh tế được Goldman Sachs đưa ra.
O’Neill cũng là người xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, điển hình là Bloomberg Television và CNBC. Ông được sinh ra tại Anh, là con trai của 1 nhân viên bưu điện và đã tốt nghiệp đại học Sheffield University. Ông cũng đã từng làm việc cho Bank of America.
Trước khi gia nhập Goldman Sachs, O’Neill làm việc tại Swiss Bank Corp. kể từ năm 1988 và là trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu. Năm 1995, công ty này mua lại hãng tư vấn S.G. Warburg & Co. và sau đó cùng với Union Bank of Switzerland thành lập UBS AG vào năm 1998.
Ngày nay, cụm từ BRIC đã trở nên phổ biến đến mức các nhà lãnh đạo của các nước này đều đặn tham gia hội nghị thường niên hàng năm được tổ chức ở Nam Phi. O’Neill vẫn là người ủng hộ học thuyết này ngay cả khi các nền kinh tế thuộc BRIC tăng trưởng chậm lại và người ta hoài nghi về vai trò của nước Nga.
Thu Hương