JPMorgan “vật lộn” với “thái tử” và tham nhũng
Không khó để nhận ra những rắc rối pháp lý mà JPMorgan đang gặp phải.
Kết quả các cuộc điều tra liên bang đối với chương trình tuyển dụng con ông cháu cha của các lãnh đạo Trung Quốc mà ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase phải đối mặt có thể được coi là một ví dụ điển hình cho khả năng “vạch mặt” các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” trên phố Wall của các nhà quản lý nước Mỹ.
Hôm qua (22/1), tờ New York Times đưa tin JPMorgan đã rút khỏi cuộc chạy đua giành nhiệm vụ bảo lãnh cho đợt bán cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD của một công ty hóa chất Trung Quốc. Các cơ quan quản lý của nước Mỹ cũng đang điều tra quá trình tuyển dụng nhân viên ở Trung Quốc của JPMorgan.
Tuần trước, hãng tin Bloomberg đưa tin FBI đã tạm giữ người từng điều hành hoạt động của JPMorgan ở châu Á – Thái Bình Dương tại một sân bay ở New York để thẩm vấn.
Không khó để nhận ra những rắc rối pháp lý mà JPMorgan đang gặp phải. Nhà chức trách đang nghi ngờ ngân hàng này vi phạm Đạo luật về Hành vi đưa hối lộ tại nước ngoài của Mỹ. Ra đời từ năm 1977, đạo luật này cấm các công ty Mỹ hối lộ cho các quan chức chính phủ nước ngoài để đổi lấy hợp đồng kinh doanh.
Lần này sẽ khác?
Có một điểm đáng lưu ý trong những cuộc điều tra lần này (có cả của Ủy ban chứng khoán và Bộ Tư pháp Mỹ). Bộ Tư pháp và SEC chưa bao giờ thực hiện cuộc điều tra này đối với một ngân hàng. Cuộc điều tra như vậy mới chỉ được thực hiện ở các công ty trong những ngành khác và thậm chí có người đã bị buộc tội hình sự.
Trong quá khứ, một ngân hàng khác là Morgan Stanley cũng từng bị điều tra nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra.
Theo Mike Koehler, giáo sư ngành luật tại Đại học Illinois, Bộ Tư pháp Mỹ đã thực hiện khoảng 60 cuộc điều tra liên quan đến tham nhũng kể từ năm 2008 đến nay. Trong số đó, 44 vụ không hề có ai bị buộc tội. Nói theo một cách khác, thường là các công ty bị buộc tội chứ không phải một cá nhân cụ thể.
Ưu đãi đặc biệt
Đối với một công ty sản xuất như Alcoa, bị buộc tội không phải là một điều có tầm ảnh hưởng quá lớn. Những khách hàng cần đến nhôm sẽ không ngừng giao dịch với Alcoa vì lo ngại đến danh tiếng của hãng này. Điều duy nhất họ quan tâm là giá cả. Khách hàng của Weatherford International Ltd. – công ty cung cấp dịch vụ trên các giếng dầu – cũng không ngừng mua dịch vụ khi nghe đến một cuộc điều tra tham nhũng.
Đối với các ngân hàng thì hoàn toàn khác, hoặc chí ít thì họ được đối xử theo cách hoàn toàn khác. Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder đã từng nói rằng một số định chế tài chính là quá lớn để có thể thi hành án bởi chúng có thể gây tổn hại đến nền kinh tế.
Không thể chắc chắn các cuộc điều tra đối với JPMorgan sẽ kéo dài trong bao lâu và sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên, nếu chính phủ Mỹ không buộc tội JPMorgan, chắc chắn điều này sẽ củng cố quan điểm được chấp nhận rộng rãi rằng cơ quan pháp lý luôn đối xử khác biệt với các ngân hàng. Kết luận cuối cùng vẫn là JPMorgan cùng các ngân hàng "quá lớn để sụp đổ" khác trên phố Wall quá lớn để bị buộc tội. Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Mỹ có mong muốn phá vỡ quan điểm này.
Thu Hương