Kế hoạch trở thành "Dubai thứ 2" của một quốc gia châu Phi không có gì ngoài muối và cát
“Quên Gigabyte đi, ở đây chúng tôi cung cấp Internet với tốc độ Terabyte”, Bộ trưởng Tài chính Ilyas Moussa Dawaleh của Djibouti nói.
Một Dubai thứ 2
Tổng thống hiện nay của Djibouti là ông Ismail Omar Guelleh, lên cầm quyền từ năm 1999 và là vị Tổng thống thứ 2 kể từ khi quốc gia này giành độc lập.
Có vẻ như nhà lãnh đạo này bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) nên ông và các nhà lãnh đạo trong nội các thường định hướng cho những nhà đầu tư về một Dubai thứ 2 tại Châu Phi.
Theo đó, Djibouti sẽ trở thu hút các nguồn vốn và trở thành trung tâm thương mại của Châu Phi trong vòng 20 năm nữa nhờ vị trí địa lý thuận lợi và những chính sách ưu đãi của chính phủ.
Đối với ngài Tổng thống Guelleh, việc thu hút các nước chuyển quân đến và đặt căn cứ quân sự chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn quốc tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Mahamoud Ali Youssouf cho biết Djibouti sẽ còn thu hút nhiều nhà đầu tư đến hơn nữa khi quốc gia này có nhiều lợi thế mà Dubai không có.
Đầu tiên, tuyến đường biển quá Djibouti đông hơn so với tuyền đường qua Dubai. Tiếp theo đó, Djibouti là cửa ngõ của Châu Phi, nơi hàng loạt các quốc gia với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào đang đói vốn và khao khát được mở rộng ra thế giới.
Không giống với Ethiopia, Djibouti có đường biển dài hơn với những vị trí cảng biển vô cùng thuận lợi
Một lợi thế quan trọng nữa là Djibouti có cơ sở hạ tầng được đầu tư khá tốt. Ông Youssouf không nói đến những dự án cơ sở hạ tầng truyền thống mà Trung Quốc đang xây dựng mà là những cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, một điều hiếm thấy tại Châu Phi. Bảy tuyến cáp quang ngầm dưới biển được xây dựng đi qua Djibouti và biến nơi đây thành trung tâm kết nối thông tin quan trọng nhất Châu Phi.
“Quên Gigabyte đi, ở đây chúng tôi cung cấp Internet với tốc độ Terabyte”, Bộ trưởng Tài chính Ilyas Moussa Dawaleh của Djibouti nói.
Tại Djibouti không có hồ nước ngọt nào đủ lớn, nhưng họ lại có hồ nước mặn Lac Assal với cảnh đẹp thơ mộng và là trung tâm du lịch của cả nước.
Bên cạnh đó, những cơn gió mạnh thổi từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm tại đây đang được chính phủ lên kế hoạch khai thác nhằm cung cấp năng lượng cho đất nước. Hơn nữa, các dự án năng lượng mặt trời cũng đang được phát triển và nếu hoàn thành, những công trình này dự kiến sẽ cung cấp tổng sản lượng điện gấp 4 lần hiện nay.
Trong vòng 1 thập kỷ tới, chính phủ Djibouti hy vọng quốc gia này sẽ là nước đầu tiên tại Châu Phi có năng lượng tái tạo.
“Thật thú vị khi trước đây mọi người đều có cái nhìn bi quan về Djibouti. Họ nói chúng tôi chẳng có gì ngoài ánh nắng mặt trời gay gắt và những trận gió khô cùng các hòn đá vô dụng. Chẳng có gì đáng giá để mọi người quan tâm tại đây. Hầu như không có ai cho rằng Djibouti sẽ có cơ hội phát triển. Nhưng tình hình hiện nay đã xoay chuyển 180 độ và hầu như các lời nhận xét về Djibouti đều là tích cực”, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Ali Yacoub Mahamoud của Djibouti nói.
Trí thức trẻ/CafeBiz