Khi các nhà kinh tế học ... cãi nhau
Suốt 25 năm qua, tồn tại một cuộc tranh luận nảy lửa giữa một vài nhà kinh tế học nổi tiếng nhất thế giới.
- 15-04-2015Kinh tế thế giới: Khi tăng trưởng lỗi nhịp với lãi suất và tiền tệ
- 20-02-2015Phương pháp giảng dạy kinh tế học: Đi tìm con đường mới
- 14-07-2013Nghe trader hay nghe nhà kinh tế học?
Trọng tâm của cuộc tranh luận này là câu hỏi: liệu có phải bản chất của chu kỳ kinh doanh đang bước vào một thay đổi cơ bản sau khi chấm dứt “30 năm huy hoàng” sau Chiến tranh thế giới thứ hai? “30 năm huy hoàng” ấy có những đặc trưng là tốc độ tăng trưởng vượt bậc, thị trường lao động ở trong trạng thái toàn dụng và lạm phát ở mức vừa phải.
Người đầu tiên “tham chiến” trong cuộc tranh luận này là Larry Summers với nghiên cứu có tựa đề “How Should Long-Term Monetary Policy Be Determined?” (tạm dịch: Chính sách tiền tệ trong dài hạn nên được quyết định như thế nào?).
Summers không tin rằng những yếu tố cơ bản của nền kinh tế đã thay đổi, bởi vậy ông tập trung vào các yếu tố kỹ thuật với nỗ lực ngăn chặn kịch bản tình trạng lạm phát nhiễu loạn trong những năm 1970 lặp lại (đây cũng là dấu hiệu báo hiệu những năm tháng huy hoàng sẽ chấm dứt). “Đơn thuốc” mà Summers đưa ra là củng cố tính phụ thuộc của các NHTW. Các chính trị gia nên đặt ra các mục tiêu, nhưng họ cũng nên kiểm soát nền kinh tế từ những chi tiết nhỏ nhặt hoặc áp đặt những luật lệ nghiêm khắc. Summers lập luận rằng các chính sách nên được điều chỉnh theo mục tiêu lạm phát năm rơi vào khoảng 2-3%.
Cuộc tranh luận tiếp tục với nghiên cứu được công bố năm 1998 bởi Paul Krugman có tựa đề “Nhật Bản lao dốc và sự quay trở lại của bẫy thanh khoản”. Cùng với đó là cuốn sách “Sự quay trở lại của các nền kinh tế suy thoái” được xuất bản ngay trong năm tiếp theo. Krugman cho rằng các NHTW đã thành công trong việc neo lạm phát kỳ vọng ở mức thấp, nhưng cũng thất bại trong việc đặt nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo. Các nền kinh tế ở châu Âu và kinh tế Mỹ đã chấm dứt thời kỳ huy hoàng và quay trở lại với xu hướng suy thoái của thời kỳ trước chiến tranh thế giới thứ hai với những đặc trưng như lực cầu yếu ớt, nguy cơ giảm phát rình rập, khủng hoảng tài chính liên miên và xuất hiện nhiều bẫy thanh khoản.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Ken Rogoff cũng tham gia vào cuộc tranh luận với một bình luận về bài báo của Krugman. Theo quan điểm của Rogoff, Krugman miêu tả kinh tế thế giới quay trở lại thời kỳ đại suy thoái là sai lầm. Đây chỉ là tình trạng tạm thời, là hệ quả của chính sách điều hành không phù hợp và núi nợ ngày càng cao lên sau một thời gian tích lũy. Hiện tượng này chắc chắn sẽ có kết thúc không tốt đẹp và chỉ có thể được giải quyết bằng quá trình giải chấp đầy đau đớn.
Một số nhà kinh tế học khác (bao gồm Joseph Stiglitz, Ben Bernanke và Martin Feldstein) cũng tham gia vào cuộc tranh luận này. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ không nêu rõ mình đứng về phía nào. Đôi khi họ thể hiện niềm tin rằng những năm tháng huy hoàng sau của thời hậu chiến sẽ không bao giờ chấm dứt, nhưng đôi khi lại đưa ra những lập luận tương tự như của Krugman, Summers hay Rogoff.
Dẫu vậy, có vẻ như ở thời điểm hiện tại, sự đồng thuận đã xuất hiện. Tranh cãi về cái kết của những ngày huy hoàng không còn thu hút được nhiều sự chú ý bởi dường như câu trả lời đã rõ ràng. Các mô hình và phương pháp tiếp cận được phát triển để hiểu về chu kỳ kinh doanh trong thời hậu chiến. Ngày nay mối bất đồng giữa các nhà kinh tế học không nằm ở thể trạng của nền kinh tế mà là câu hỏi liệu chính sách kinh tế vĩ mô có thể chữa lành vết thương một cách hiệu quả hay không.
Đáng lẽ các NHTW đã có thể áp dụng ý tưởng về quản lý chu kỳ kinh tế vĩ mô mà Summers kêu gọi từ năm 1991, nhưng họ đã không làm như vậy. Trong khi đó có rất ít các thống đốc NHTW có được ý tưởng sẽ thực hiện những thay đổi về thể chế giúp củng cố khả năng hoàn thành mục tiêu của các cơ quan mà họ quản lý.
Theo quan điểm của Summers, các chính phủ cần có trách nhiệm lớn hơn trong việc gánh chịu rủi ro, lên kế hoạch trong dài hạn và đầu tư. Trên thực tế, những chính phủ may mắn có khả năng phát hành các đồng tiền dự trữ của thế giới có thể đảm nhiệm vai trò này mà không tạo ra gánh nợ cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, mặc dù hiện nay cả Summers và Krugman đều tin rằng chính sách tài khóa mở rộng hơn có thể hữu ích hơn, Rogoff tiếp tục duy trì lối suy nghĩ từ năm 1988: để điều hành kinh tế vĩ mô thành công bắt buộc phải giám sát hệ thống tài chính và giảm tích lũy nợ trong thời kỳ bùng nổ. Nỗ lực “chữa” nợ của khu vực tư nhân bằng cách phát hành một núi trái phiếu chính phủ là quá nguy hiểm. Sau cùng, khi vấn đề nợ của khu vực tư nhân được giải quyết, lựa chọn trên mới đươc coi là an toàn.
Dù chính sách nào (vĩ mô hay vi mô) tỏ ra hiệu quả để có thể giải quyết các vấn đề hiện nay của nền kinh tế, bạn hãy luôn ghi nhớ một điều: tâm trạng lạc quan đã trở nên lỗi thời, không hợp mốt!
Thu Hương