Khi điện thoại iPhone kêu, kinh tế Mỹ lắng nghe
Chuyên gia này ước tính rằng những chiếc iPhone đang giúp tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ tăng thêm 1/4 đến 1/3 điểm phần trăm.
Các tin tức kinh tế ảm đạm và sự trồi sụt của thị trường chứng khoán có thể khiến người Mỹ thất vọng. Tuy nhiên, ít nhất thì họ có một thứ để đặt niềm tin vào tương lai: điện thoại iPhone đang ở trong thời kỳ hoàng kim của chu kỳ phát triển.
Kể từ ngày 19/9, khi iPhone 6 và iPhone 6 Plus bắt đầu lên kệ, người tiêu dùng đã đặt hàng thiết bị này với tốc độ nhanh hơn so với tốc độ cung ứng của Apple. Hiệu ứng từ iPhone có thể được cảm nhận ở toàn bộ nền kinh tế và tác động tới cả những biến động trên thị trường chứng khoán.
Michael Feroli, chuyên gia kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase, cho rằng iPhone mang lại những hiệu ứng có thể cân đo đong đếm. “Chỉ là 1 thiết bị nhỏ nhưng iPhone có giá trị lớn và gần như tất cả mọi người đều có một chiếc iPhone. Khi làm phép toán tính tổng, bạn sẽ thấy vấn đề”.
Chuyên gia này ước tính rằng những chiếc iPhone đang giúp tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ tăng thêm 1/4 đến 1/3 điểm phần trăm.
Nhiều người sẽ cho rằng iPhone không có sức mạnh về tài chính. Cuối cùng thì đây vẫn chỉ là một loại hàng hóa tiêu dùng có nhiều chức năng và thức thời mà bạn có thể đúc trong túi. Mỗi khi Apple thực hiện nâng cấp iPhone, doanh thu đều tăng lên đáng kể. Giống như CEO Tim Cook đã miêu tả với các chuyên gia phân tích của phố Wall, người dùng có mối quan hệ “nồng thắm” với iPhone. Ông cũng cho rằng 3 tháng tới sẽ là 3 tháng tuyệt vời của Apple vì “đây là những chiếc iPhone tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng tạo ra và khách hàng hoàn toàn yêu thích chúng”.
Tuy nhiên, dù bạn chấp nhận hay không, đã đến lúc nhận ra vai trò quan trọng của Apple về mặt tài chính.
Hãy bắt đầu từ Apple. Hãng đang thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ iPhone. Theo số liệu nộp lên Ủy ban chứng khoán Mỹ, mức giá trung bình của các đời điện thoại iPhone mà hãng đã bán ra là 603 USD. Đây là mức cách xa so với “giá khởi điểm 199 USD” mà Apple vẫn quảng cáo do chưa tính đến các thỏa thuận với nhà mạng. Thưc chất, mức giá khởi điểm cho một chiếc iPhone mới cơ bản là 649 USD. Các mẫu có dung lượng bộ nhớ cao hơn và màn hình lớn hơn sẽ có giá cao hơn.
Cấu trúc giá hiện nay rất có lợi cho Apple. Theo tính toán của Andrew Rassweiler, chuyên gia đến từ IHS Technology, chi phí sản xuất một chiếc iPhone cơ bản vẫn được giữ ở mức 200 USD trong nhiều năm nay. Con số này chưa tính đến các chi phí marketing và nghiên cứu, nhưng giúp lý giiar tại sao lợi nhuận thặng dư từ iPhone cao gấp đôi so với iPad.
Tom Sacconaghi, chuyên gia phân tích đến từ Sanford C. Bernstein, cho rằng tổng lợi nhuận thặng dư của sản phẩm iPhone có thể lên tới gần 50%. Là sản phẩm được ưa chuộng nhất của Apple – với hơn 39 triệu chiếc được bán ra trong quý III, iPhone đóng góp tới 60 – 70% tổng lợi nhuận của Apple.
“Apple hiện đã quá lớn và không dễ gì đạt được tốc độ tăng trưởng như trong quá khứ”, ông nói. Apple đã nỗ lực phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ gồm đồng hồ thông minh, hệ thống thanh toán Apple Pay, cải tiến máy tính Mac, iPad và hệ điều hành iOS. Tuy nhiên, cho dù tất cả những thử nghiệm này thành công, trong vòng 1 – 2 năm tới, không có sản phẩm nào có thể vượt qua tầm ảnh hưởng của iPhone.
iPhone không chỉ ảnh hưởng đến Apple mà còn đến cả thị trường chứng khoán. Apple là công ty lớn nhất thế giới xét về giá trị vốn hóa. Tỷ trọng của Apple trong chỉ số S&P 500 lên tới 3,5%. Phiên 20/10, đà tăng của cổ phiếu Apple đóng góp tới 18% đà tăng của chỉ số S&P 500. Và, tất nhiên, lực đẩy chính của cổ phiếu Apple chính là iPhone.
Vì iPhone chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài và được bán ra trên toàn thế giới, có thể coi sản phẩm này là minh họa cho nền kinh tế của các khu vực khác, đặc biệt là Đông Á. Apple cũng giữ một lượng lớn tiền mặt ở nước ngoài. Những yếu tố này khiến việc đánh giá ảnh hưởng của Apple đến nền kinh tế Mỹ khó khăn hơn. Không giống như việc General Motor có một quý xuất sắc. Ngày nay thế giới phức tạp hơn rất nhiều và Apple chính là đại diện của thế giới đó.
Tuy nhiên, Apple vẫn có sức ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Ví dụ, tháng 9, doanh thu tại các cửa hàng điện tử và đồ gia dụng của Mỹ đã tăng 3,4% trong khi doanh thu tại các cửa hàng quần áo giảm 1,2%. Mọi người đã mua ít quần áo hơn để dành tiền mua iPhone.
Kể cả những người Mỹ không sở hữu iPhone và không mua cổ phần của Apple cũng sở hữu một phần của Apple một cách gián tiếp. Hầu như tất cả các quỹ hưu trí đều có cổ phiếu trong danh mục đầu tư và rất có thể cổ phiếu được nắm giữ nhiều nhất chính là Apple.
Tất cả những lý do trên giải thích tại sao Apple đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt khi nó đang ở thời kỳ hoàng kim trong chu kỳ sản phẩm. Tại thời điểm này, khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, những chiếc iPhone vẫn đang tới tấp bay khỏi kệ và Apple vẫn tiếp tục đóng góp cho thế giới.
Thu Hương