MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi "thế hệ tôi" đầu tư tài chính

07-07-2014 - 09:32 AM | Tài chính quốc tế

Trong khi phần lớn thế hệ baby boomers tự làm ra của cải, nhiều millennial được thừa hưởng sự giàu có từ cha ông. Cách đầu tư của họ cũng khác.

*Millenial là từ dùng để chỉ thế hệ những người sinh ra trong thời kỳ 1980 – 2000. Họ cũng được gọi là "thế hệ tôi" bởi sự trẻ tuổi, có đầu óc sáng tạo, tháo vát và rất tự tin đồng thời thích cá nhân hóa.

Tầng lớp giàu có trong thế hệ trẻ của nước Mỹ có những điểm khác biệt gì so với tầng lớp trước đó? Đây là câu hỏi gây ra nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi cuốn sách “Tư bản thế kỷ 21” của nhà kinh tế học người học Thomas Piketty gây nên tiếng vang lớn với quan điểm cho rằng hiện tượng chênh lệch giàu nghèo và thừa kế tài sản đang tăng lên. 

Trên thực tế, vấn đề này gây xúc động mạnh đến nỗi khi Viện Aspen tổ chức sự kiện thường niên Aspen Ideas Festival ở Colorado, cụm từ “chênh lệch giàu nghèo” đã xuất hiện trong mọi cuộc tranh luận. Buổi chia sẻ về xu hướng trao cho con cái nhiều đặc quyền của giới nhà giàu với diễn giả chính là nhà kinh tế học Robert Reich đã thu hút được rất nhiều người tham gia, bất chấp những người tham dự sự kiện chính là hình ảnh thu nhỏ của giới nhà giàu.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một góc nhìn khác về vấn đề này, hãy nhìn vào kết quả khảo sát vừa được ngân hàng US Trust thực hiện. Trong mấy tháng gần đây, US Trust đã gửi câu hỏi tới 680 người trong số 1,8 triệu người Mỹ được ngân hàng này định nghĩa là người giàu, tức là có hơn 3 triệu USD tài sản có thể đầu tư.

Khảo sát đã cho thấy xu hướng dịch chuyển rõ nét giữa các thế hệ. Hầu hết những người thuộc thế hệ “baby boomers” (những người được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số 1946 – 1964) đã tự làm ra tài sản của mình thay vì được thừa kế. Gần 3/4 số người trên 69 tuổi và 61%  số người thuộc thế hệ baby boomers là thế hệ đầu tiên trong gia đình tích lũy được lượng lớn của cải.

 Trong thế hệ millennial (những người dưới 35 tuổi), khoảng 2/3 đến từ các gia đình mà trong đó họ là thế hệ thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4 được xếp hạng là giàu có.

Tuy nhiên, xu hướng có thể sớm thay đổi khi ở nước Mỹ cũng xuất hiện một số người giàu tự thân trẻ tuổi. Những doanh nhân trẻ trong ngành công nghệ và tài chính đang tự tay xây dựng sự nghiệp, và tỷ lệ người giàu tự thân trong thế hệ millennial sẽ tăng lên khi họ tiến thân trên con đường sự nghiệp. Thêm vào đó, những người được thừa kế tài sản cũng trở thành doanh nhân. “Millennial có tinh thần cầu tiến và sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với thế giới”, khảo sát đưa ra kết luận. 

Tuy nhiên, điểm thú vị là dường như sự biến đổi về mặt dân số xảy ra cùng lúc với xu hướng biến đổi của thị trường tài chính. Baby boomers khá bảo thủ khi đầu tư: họ thường sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính và đầu tư vào những tài sản truyền thống như cổ phiếu. Trong khi đó, millennial không thích phụ thuộc vào tư vấn tài chính cũng như không tin tưởng vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu. 

Thay vào đó, họ ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các loại hình đầu tư thay thế, ví dụ như các quỹ đầu cơ hoặc vốn cổ phần tư nhân. Chủ tịch US Trust cho rằng họ là những doanh nhân trong khi một ông trùm trong lĩnh vực vốn cổ phần tư nhân nhận định họ thích kiểm soát.

Millennial cũng không định nghĩa “đầu tư” đơn giản là chỉ xem xét đến các chỉ tiêu tài chính. 75% cho biết họ coi những ảnh hưởng về mặt xã hội và môi trường là một phần quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. 2/3 coi quyết định đầu tư là một cách để thể hiện những giá trị về mặt xã hội, chính trị hay môi trường. Chỉ có 1/3 baby boomers có quan điểm như vậy. 

Tại sao lại có những xu hướng thay đổi như vậy là điều chưa được giải thích rõ ràng. Có thể, những người giàu có trẻ tuổi đang tìm cách điều chỉnh lại số của cải được thừa kế theo hướng có lợi cho xã hội (hoặc chí ít là khiến số tài sản này có thể được chấp nhận hơn). Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là giới nhà giàu, sẽ lập luận rằng xu hướng này thể hiện văn hóa từ thiện của nước Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch của US Trust cho rằng những người được thừa kế tài sản có nhiều năng lượng hơn để sáng tạo trong đầu tư tài chính. Những người giàu tự thân thuộc thế hệ baby boomers đã bỏ quá nhiều công sức để làm giàu và không muốn suy nghĩ thêm về tiền bạc. 

Dù thế nào đi chăng nữa, nếu xu hướng này bền vững, nó sẽ đem đến nhiều hiệu ứng tích cực cho xã hội. Chí ít thì xu hướng này giải thích tại sao các loại hình đầu tư thay thế đang phát triển mạnh mẽ trong ngành tài chính. Xu hướng này cũng phản ánh khái niệm từ thiện đang được định nghĩa lại như thế nào trong xã hội Mỹ, khi mà ranh giới giữa “tài chính” và ‘dự án xã hội” đang bị phá vỡ. 

Tuy nhiên, cần có một điểm khác phải lưu ý. Theo US Trust, 9 trong số 10 người Mỹ hiện đang muốn tạo ra nhiều cơ hội và của cải hơn thông qua các giải pháp mang tính từ thiện và chính sách. Có vẻ như rất nhiều người giàu đang lo lắng về tình trạng chênh lệch giàu nghèo gia tăng. Đó cũng chính là lý do buổi thảo luận của Robert Reich thu hút được nhiều người nghe đến vậy.


Thu Hương

huongnt

FT

Trở lên trên