Không phải Mỹ, Châu Á mới là nơi tốt nhất để đạt được... 'giấc mơ Mỹ'
“Giấc mơ Mỹ” – câu chuyện từ tay trắng lập nghiệp trở nên giàu có dường như đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết tại những quốc gia châu Á đang phát triển thay vì Mỹ.
Năm 1998, Peter Mandelson – thành viên đứng đầu chính phủ mà sau này là đảng Lao động Anh nói rằng ông “cảm thấy hoàn toàn thoải mái với những người dùng mọi thủ đoạn để trở nên giàu có, miễn là họ đóng thuế đầy đủ”.
Ngày nay, Cựu Bộ trưởng bộ thương mại Anh Lord Mandelson cảm thấy tình hình trở nên căng thẳng hơn, ông ấy lo lắng về sự gia tăng bất bình đẳng và đình trệ trong thu nhập của tầng lớp trung lưu do toàn cầu hóa.
Tổng giám đốc IMF là bà Cristine Lagarde thì khẳng định rằng việc gia tăng bất bình đẳng tạo ra “bóng đen” phủ khắp kinh tế toàn cầu. Báo cáo mới đây của OECD cảnh báo rằng sự bất bình đẳng sẽ là “thử thách về chính sách lớn nhất cho tất cả các quốc gia trên thế giới”.
Một nghiên cứu mới đây mang tên: “Rich People, Poor Countries: The Rise of Emerging-Market Tycoons and their Mega Firms” của Caroline Freund đến từ viện Peterson tại Washington đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nhận thức về thách thức kể trên.
Bà Freund đã chỉ ra khác biệt giữa tỷ phú ở những quốc gia giàu có và tại những nền kinh tế đang phát triển – nơi số lượng tỷ phú ngày một tăng với tốc độ chóng mặt.
Trong năm 2004, những nền kinh tế đang phát triển chiếm 20% trong tổng số 587 tỷ phú theo thống kê của Forbes. Tuy nhiên tới năm 2014, con số này đã tăng lên 43% trong số 1.645 tỷ phú.
Tại các nước phát triển, tỷ lệ tỷ phú tự thân (thay vì thừa kế tài sản) gần như không đổi trong giai đoạn từ 2000 – 2014 ở mức 60%. Tuy nhiên tại các quốc gia đang phát triển, con số tương tự lại tăng từ 56% - 79%.
Bà Freund tranh luận rằng nhóm phát triển nhanh nhất trong số những tỷ phú ở các quốc gia đang phát triển được gọi là các doanh nhân “Schumpeterian” – những người xây dựng và quản lý những công ty lớn tham gia vào cuộc chơi trên thị trường toàn cầu.
Sự gia tăng của những tỷ phú như vậy – bà nói rằng có thể là kết quả của quá trình chuyển đối cấu trúc và phát triển nhanh chóng tại các quốc gia đang phát triển. Khi nền kinh tế của họ được mở rộng – giống như những gì nước Mỹ đã làm được vào cuối thế kỷ 19, các công ty lớn bắt đầu hình thành– tạo lập sự giàu có đồng thời đóng góp vào tốc độ phát triển toàn cầu bằng những sản phẩm tiên phong và tạo ra việc làm.
Bà Freund cũng phân loại những tỷ phú tự thân thành 4 loại: Những người có tài sản từ quản lý chuyển nhượng hay những hình thức cho thuê khác; Những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính và bất động sản; Những nhà sáng lập của các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng trên thị trường; Và những lãnh đạo làm thuê ở các công ty lớn được trả mức lương cao.
“Giấc mơ Mỹ” – câu chuyện từ tay trắng lập nghiệp trở nên giàu có dường như đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết tại những quốc gia châu Á đang phát triển thay vì Mỹ.
Theo Freund, chỉ 2 hình thức tỷ phú cuối cùng mới được coi là những doanh nhân thật sự.
Điều đáng nói là nếu như trong năm 2001, chỉ 12% tỷ phú tại những quốc gia đang phát triển được xếp vào hàng ngũ này thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 35%.
Những ví dụ điển hình nhất có thể kể đến Terry Gou – nhà sáng lập của tập đoàn Hon Hai – một gã khổng lồ điện tử vào năm 1974 với số vốn ban đầu là 7.500 USD. Sự mở rộng lớn mạnh tại Trung Quốc của tập đoàn này đã khiến họ trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc với lực lượng lao động đạt gần 1 triệu người.
Dilip Shanghvi thành lập nên công ty Sun Pharmaceutical vào năm 1982 với 1.000 USD vay từ cha của mình. Hiện công ty này đã trở thành nhà sản xuất thuốc lớn nhất Ấn Độ với 16.000 công nhân và giá trị thị trường đạt 27 tỷ USD.
Zhou Qunfei bắt đầu làm việc trong trang trại của gia đình ở Hunan và sau đó là công nhân trong một nhà máy tại Quảng Đông trước khi mở công ty về màn hình cảm ứng. Zhou hiện là một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất thế giới. Công ty của cô là Lens Technology hiện có 60.000 công nhân và vốn hóa thị trường đạt gần 12 tỷ USD.
Nhìn chung, “GIẤC MƠ MỸ” – câu chuyện từ tay trắng lập nghiệp trở nên giàu có dường như đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết tại những quốc gia châu Á đang phát triển thay vì Mỹ.
Sư nổi lên của những “gã khổng lồ” này giống như là sự xuất hiện của những công ty lớn tại Mỹ và châu Âu cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tại Nhật Bản những năm 1950 - 1960 hay Hàn Quốc giai đoạn 1960 – 1970.
So sánh với Mỹ, thậm chí thành tựu này còn ấn tượng hơn rất nhiều.
Nhờ nhanh chóng nắm bắt được thị trường mới và tìm ra cách thức phục vụ tốt nhất, những ông trùm tỷ phú Trung Quốc như Jack Ma của Alibaba hay Robin Li của Baidu đang làm được những điều mà các tỷ phú Mỹ trước đây như Andrew Carnegie hay John D. Rockefefller làm được với dầu mỏ và thép.
Trí thức trẻ/CafeBiz