Không tài nguyên, đất khô cằn, nước ngập mặn, vì sao quốc gia bé xíu này lại hấp dẫn nhất châu Phi?
Tại Châu Phi, không phải Ethiopia hay Nam Phi mới là những quốc gia đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư mà là Djibouti, một nước nhỏ bé chưa từng được chú ý tới bỗng chốc trở thành điểm thu hút nhiều nước trên thế giới.
- 27-03-2016Dễ như khởi nghiệp ở Israel
Djibouti là một quốc gia chỉ to bằng bang New Jersey của Mỹ. Đất nước này còn rất nghèo khi chỉ có một con đường duy nhất đã được trải nhựa và không có nhiều đất nông nghiệp để có thể canh tác.
Nghiên cứu của The Associated Press cho thấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đây hầu như bằng không, “ngoại trừ cát, muối và khoảng 20.000 con lạc đà”, nếu lạc đà cũng được coi là tài nguyên.
Tờ New York Times thậm chí đã dự đoán rằng rất có thể quốc gia non trẻ Djibouti này sẽ bị “thâu tóm” bởi những nước láng giềng, như Ethiopia hay Somalia bởi họ cho rằng nước này quá nghèo và rất khó để có thể “tự đứng một mình”.
Tuy nhiên, thật bất ngờ rằng Djibouti vẫn đứng vững cho đến tận ngày nay. Nguyên nhân rất đơn giản, những quốc gia láng giềng quá bận rộn với chiến tranh, nạn đói và biến động chính trị xã hội để có thể quan tâm đến một nước nhỏ nghèo tài nguyên.
Thế rồi vào một ngày đẹp trời, quốc gia nhỏ bé nghèo đói Djibouti bỗng trở thành khu vực nóng bỏng, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế nhất Châu Phi.
Mọi chuyện bắt đầu từ vụ khủng bố 11-9
Sau vụ khủng bố 11-9, quân đội Mỹ vội vã thành lập các căn cứ quân sự tại Châu Phi và Trung Đông nhằm thực hiện các chiến dịch chống khủng bố. Djibouti là quốc gia duy nhất tại lục địa đen không có chiến sự cũng như có thuận lợi về vị trí địa lý.
Djibouti nằm ngay cạnh eo biển Bab el-Mandeb, cửa ngõ vào kênh đào Suez cũng như Biển Đỏ. Đây là một trong những tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới khi chúng có thể dễ dàng giúp các phương tiện đường thủy đến các vùng chiến sự nóng ở Châu Phi hay Trung Đông.
Cảng biển ở Djibouti nằm trên tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới và là nơi xuất phát khá thuận lợi cho phía quân đội truy bắt hải tặc
Khi tình trạng hải tặc Somali ngày càng hoành hành bất chấp quân đội Mỹ trú đóng ở Djibouti, hàng loạt quốc gia như Đức, Italy, Tây Ban Nha và Pháp cũng chuyển quân tới nước nhỏ bé này nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu hàng của họ.
Năm 2011, Nhật Bản cũng theo trào lưu và mở căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài của họ ở đây kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Năm 2015, cuộc nội chiến tại Yemen đã khiến hàng nghìn người phải di tản sang các quốc gia khác bao gồm Djibouti và kéo theo đó là hàng đoàn những nhân viên tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ khác.
Không giống như tình trạng quá tải và rối loạn ở Châu Âu về vấn đề người nhập cư, người dân Djibouti chẳng mấy quan tâm đến chuyện này. Họ còn mải mưu sinh và kiếm sống. Với lợi thế có nhiều căn cứ quân dự nước ngoài, Djibouti trở thành địa điểm trú ẩn an toàn cho nhiều người tị nạn.
Dẫu vậy, tình trạng di cư không chỉ khiến quốc gia này tăng thêm lao động, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mà còn đem đến những bất ổn chính trị.
Một vài vụ đánh bom khủng bố đã diễn ra tại Djibouti. Nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab nhận trách nhiệm về những vụ khủng bố trên và cho biết họ nhắm vào những vị chỉ huy người Pháp tham chiến chống lại quân đội người Hồi giáo ở Somalia và vùng Trung Phi.
Ngày 25/2/2014, ngay sau hai vụ nổ bom tự sát tại Djibouti, Trung Quốc tuyên bố thành lập căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài, chỉ cách doanh trại Mỹ và Nhật Bản có 4 dặm.
Một tuần sau đó, phía Ả Rập Xê Út cũng cho biết đang có kế hoạch chuyển quân tới Djibouti và thành lập căn cứ đầu tiên của họ tại Châu Phi.
Hàng loạt các nước xây dựng căn cứ tại Djibouti
"Tại sao người Mỹ lại sợ chúng tôi?"
Khi quân đội Mỹ thay thế quân Pháp quản lý căn cứ Lemonnier-Djibouti, khu trại này trông khá tồi tàn với diện tích 97 mẫu Anh và người Mỹ chỉ có ý định đóng quân tạm thời tại đây.
Tuy nhiên, một khoản đầu tư 1,4 tỷ USD năm 2013 từ ngân sách đã nâng cấp khu căn cứ này lên 600 mẫu Anh với nhiều hàng rào thép gai và các thiết bị quân sự hiện đại.
Khoảng 4.000 binh sỹ Mỹ hiện đang đồn trú tại đây với nhiệm vụ chủ yếu là phòng chống hải tặc cũng như các vụ khủng bố.
Ngoài ra, đây còn là một căn cứ trung chuyển cho các nhiệm vụ liên quan đến địa chính trị quốc tế cũng như vấn đề về ngoại giao.
Djibouti cũng là khu vực trung tâm cho những chiếc máy bay không người lái và các thiết bị theo dõi trên không của quân đội Mỹ. Hàng năm, phía Mỹ cho cất cánh hàng ngàn chiếc máy bay và thiết bị như trên tại Djibouti với tầm phủ sóng quanh khu vực Châu Phi nhằm thực hiện nhiệm vụ do thám và các nhiệm vụ bí mật khác.
Djibouti đang chuyển mình trỗi dậy
Việc liên tục cho cất cánh những chiếc máy bay không người lái khiến an toàn giao thông đường hàng không tại Djibouti gặp vấn đề lớn. Năm 2012, một chiếc máy bay không người lái rơi xuống nhà dân đã làm 4 người địa phương thiệt mạng.
Các nhân viên điều khiển không lưu tại Djibouti tỏ ra khá bất bình với những chiếc máy bay không người lái này. Họ thậm chí từ chối cho phép loại thiết bị này cất cánh.
Tình trạng trên đã buộc phía quân đội Mỹ chuyển các sân bay cất cánh của máy bay không người lái ra một khu độc lập nhằm giảm thiếu sự bất bình của người dân.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng tăng cường các hoạt động quan hệ công chúng nhằm gia tăng hình ảnh của mình đối với người dân Djibouti, như khám chữa răng miễn phí hay các hoạt động xã hội, giải trí khác.
Dẫu vậy, người dân Djibouti cho biết họ không thù ghét người Mỹ và đôi khi những người bản địa ở đây không hiểu tại sao quân đội Mỹ lại phải xây các hàng rào thép gai và đề phòng nghiêm ngặt đến vậy.
Đón đọc kỳ 2: Một Dubai thứ 2?
Trí thức trẻ/CafeBiz