Khủng hoảng choàng lên kinh tế Đức
Năm 2013, mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Đức yếu hơn mong đợi, theo hãng tin AP (Mỹ).
Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, với mức tăng trưởng chỉ 0,4% (dự đoán là 0,5%), 2013 là năm bết bát nhất của kinh tế Đức kể từ khi khủng hoảng trong khu vực bắt đầu năm 2009. Trong ba tháng cuối năm 2013, kinh tế Đức hầu như không có tăng trưởng. Mức tăng trưởng kinh tế Đức năm 2012 là 0,7%, năm 2011 là 3,3%.
Tăng trưởng kinh tế Đức năm 2013 chủ yếu nhờ vào nhu cầu tiêu dùng nội địa, còn xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh do khủng hoảng.
Xuất khẩu của Đức trong năm 2013 chỉ tăng 0,6% (so với năm 2012), năm 2012 tăng 3,2% (so với năm 2011). Trong khi đó nhập khẩu năm 2013 lại tăng đến 1,3%, không giảm bao nhiêu so với 1,4% trong năm 2012. Tiêu dùng nội địa năm 2013 tăng 0,9%, so với 0,8% năm 2012.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Roderich Egeler, kinh tế Đức không thể trông chờ mãi vào nhu cầu tiêu dùng nội địa để bù đắp các sụt giảm khác do khủng hoảng gây ra như xuất khẩu.
Theo nhà kinh tế Christian Schulz làm việc tại Ngân hàng Berenberg ở Anh, thực tế này cho thấy năm năm qua, dù vẫn đứng vững ngoài vòng xoáy khủng hoảng nợ đang vùi dập nhiều nước khối đồng euro khác nhưng kinh tế Đức không thể thoát hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực của nó và cả sự trì trệ của kinh tế toàn cầu.
Dù với nhiều điểm đáng ngại, thế nhưng năm nay Đức vẫn lạc quan với mức tăng trưởng dự báo của ngân hàng trung ương Đức Deutsche Bundesbank là 1,7% trong năm 2014 và 2% trong năm 2015.
Kinh tế Đức hy vọng đà tăng trưởng sẽ được đẩy nhanh hơn trong bối cảnh đà tiêu dùng nội địa đang tăng, các nước khu vực đồng euro và toàn cầu tiếp tục đà phục hồi từ khủng hoảng. Điểm cộng nữa của kinh tế Đức là tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và quy mô tuyển dụng đang tăng.
Theo Đăng Khoa