MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng kinh tế sẽ chấm dứt toàn cầu hoá?

18-03-2009 - 17:55 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng bảo hộ sẽ có thể đặt dấu chấm hết cho xu thế toàn cầu hoá.

Từ công nhân xây dựng cho đến người học ngành ngân hàng tại Harvard, người lao động tại nhiều nước đang buộc phải trở về quê hương bởi những nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm.

 

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, khoảng 24 đến 52 triệu người sẽ mất việc trong năm 2009. Xu thế dân tuý cũng như bảo hộ cao tại nhiều nước xưa nay vốn sử dụng nhiều lao động nước ngoài khi kinh tế bùng nổ đã đẩy khoảng 200 triệu công nhân nhập cư trên toàn thế giới vào khó khăn.

 

Làn sóng bảo hộ tăng cao trên khắp thế giới. Mới đây, chính phủ Mỹ đã áp dụng luật hạn chế tuyển dụng lao động nhập cư đối với công ty nhận tiền giải cứu của chính phủ. Malaysia và Arập Saudi yêu cầu các công ty sa thải lao động nước ngoài trước nếu họ cần thu hẹp quy mô.

 

Gần đây tại Anh, một số cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra, người tham gia phản đối việc sử dụng lao động nước ngoài tại nhà máy lọc dầu. Philippin thông báo khoảng 5 nghìn công nhân Philippin làm việc tại nước ngoài đã mất việc trong khoảng thời gian từ tháng 19/2008 đến tháng 1/2009.

 

Ngay cả Ireland cũng đang xem xét lại luật nhập cư, lao động nhập cư đã góp phần quan trọng làm nên tăng trưởng kinh tế Ireland vào cuối thập niên 1990. Theo khảo sát vào tháng 9/2008, khi kinh tế Ireland đi xuống, 66% người Ireland cho rằng chính sách nhập cư nên có điểm hạn chế mới.

 

Các chuyên gia hết sức phê phán xu thế này. Một số nhà phân tích thể hiện sự lo lắng về khả năng chảy máu chất xám ngược. Khi tính toán đến đóng góp của lao động nhập cư vào kinh tế Mỹ, chuyên gia Vivek Wadhwa thuộc đại học Duke nhận thấy từ năm 1995 đến năm 2005 người nhập cư sáng lập ¼ số công ty hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ Mỹ, một nửa số công ty trên hiện thuộc Silicon Valley.

 

Chuyên gia Matthew Slaughter cho rằng lao động có tay nghề tốt sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế bằng việc tạo ra thêm việc làm cho nền kinh tế. Theo ông, việc đẩy lao động nhập cư về nước sẽ gây tác hại cho chính người Mỹ. Tính toán của chuyên gia Wadhwa cho thấy công ty công nghệ do người nhập cư sáng lập tạo ra 52 tỷ USD doanh thu và tuyển dụng 450 nghìn nhân công vào năm 2005.

 

Trong ngắn hạn, các chuyên gia lo ngại về những biện pháp bảo hộ và thất nghiệp tăng cao sẽ đẩy người nhập cư về nhà và khiến làn sóng di cư trên thế giới chững lại. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước trước đây có nhiều lao động làm việc ở nước ngoài tăng cao, việc này đe doạ gây ra bất ổn xã hội và chính trị.

 

Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo về khả năng tư tưởng bài ngoại tăng cao do tư duy sai lầm rằng lao động nước ngoài cướp mất công ăn việc làm của lao động địa phương.

 

Trong dài hạn, theo ông Stephen Castles, đồng tác giả của Kỷ nguyên Di cư, trong thời kỳ suy thoái, động lực khiến người ta di cư sẽ lớn hơn thời kỳ kinh tế thuận lợi. Ông cũng cho rằng sự bất bình đẳng về kinh tế và mất cân bằng về nhân khẩu học giữa nước dân số già ở phía Bắc và nhóm nước có dân số thuộc độ tuổi lao động ở phía Nam vẫn là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra xu thế di cư tương lai.

 

Việc tỷ lệ lao động nhập cư trái phép bị bắt giữ ở biên giới Mỹ - Mêhicô gần đây giảm đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu một thị trường lao động tại nước phát triển có ngăn nhập cư trái phép không? Các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng việc hạn chế nhập cư sẽ chỉ giúp thị trường lao động chợ đen hoạt động sôi động hơn.

 

Bàn về cách ứng phó với khủng hoảng tài chính, nhiều chuyên gia kinh tế thường phản đối việc những nước giàu đóng cửa không nhận lao động nước ngoài. Tháng 10/2008, Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh việc di cư có thể giúp cứu thế giới ra khỏi khủng hoảng kinh tế, ông kêu gọi các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách kinh tế toàn thế giới hợp tác.

 

Thế giới cần đến những luật nhập cư mới – những luật không khiến lao động có tay nghề cao của nước ngoài cảm thấy chán nản và cùng lúc đó vẫn giữ an toàn biên giới quốc gia.
 

Trong bài phát biểu mới nhất với báo giới, cựu Bộ trưởng An ninh Mỹ Michael Chertoff cho rằng Mỹ nên chuẩn bị thay đổi luật nhập cư để chuẩn bị cho thời kỳ kinh tế hồi sinh, nhu cầu lao động sẽ tăng cao.

 

Ngọc Diệp

Theo CFR

ngocdiep

Trở lên trên