Kinh tế châu Âu và dấu hỏi Ukraine
Cuộc khủng hoảng ở Đông Âu đang khiến Chủ tịch NHTW Châu Âu Mario Draghi phải lo lắng hơn về triển vọng của nền kinh tế châu Âu.
- 02-07-2014ECB sẽ không thể nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa
- 07-06-2014ECB đã hành động quá muộn?
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy xung đột ở Ukraine và các lệnh cấm vận châu Âu áp đặt lên Nga đang phá hủy sự phục hồi yếu ớt mà châu Âu chật vật mới đạt được sau khủng hoảng.
Với lãi suất đã ở mức 0, ông Draghi sẽ đối mặt với nhiều câu hỏi về kế hoạch làm sao để giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng. ECB chỉ còn rất ít công cụ để phòng chống những tác động của cuộc khủng hoảng chính trị mà các công ty châu Âu cho là đang gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh của họ. Một loạt các biện pháp được tung ra hồi tháng 6 sẽ phải mất thời gian để phát huy tác dụng, trong khi các nhà hoạch định chính sách không muốn thực hiện chương trình mua tài sản.
Hôm nay, đồng euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 sau khi Bộ Kinh tế Đức công bố báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp thấp hơn dự báo. Chứng khoán châu Âu cũng chạm đáy thấp nhất 4 tháng.
Anheuser-Busch – nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới – cho biết lượng bia bán ra ở Ukraine đã giảm hơn 20% trong quý II. Tại nhà máy của Siemens ở Đức, CEO Joe Kaeser cho biết các yếu tố địa chính trị tạo nên rủi ro rất lớn đối với tăng trưởng của châu Âu trong quý II.
Italy – nền kinh tế lớn nhất khối eurozone – đã bất ngờ quay trở lại tình trạng suy thoái trong quý trước. Tháng 6, lượng đơn hàng của các nhà máy ở Đức giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Một trong những câu hỏi đặt ra cho ngài Draghi là ông có thể làm gì để phản ứng lại với tình trạng hiện nay. Vị Chủ tịch của ECB đã từng nói một cú sốc từ bên ngoài có thể làm hỏng kịch bản nền kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, thuyết phục được các nhà hoạch định chính sách hành động xa hơn nữa là điều không hề dễ dàng.
Trả lời phỏng vấn hôm 10/7, thành viên của ECB Ewald Nowotny cho rằng ông không thấy cần thiết phải hành động trong tương lai gần. Nhiều người khác cũng có cùng ý kiến.
Một trong những lý do khiến nhiều người cho rằng không nên vội vàng bổ sung thêm biện pháp kích thích kinh tế là các biện pháp được công bố hồi tháng 6 sẽ mất một thời gian để thực sự tác động đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khu vực eurozone cũng đã chịu đựng các cú sốc tốt hơn so với giai đoạn khủng hoảng. Khi ngân hàng Banco Espirito Santo của Bồ Đào Nha sụp đổ và nhận cứu trợ, lợi suất trái phiếu eurozone vẫn giữ được mức thấp kỷ lục.
Chỉ số PMI đo lường sức khỏe của các ngành sản xuất và dịch vụ cũng mạnh lên trong tháng 7 và đã ở mức trên 50 năm trong suốt 1 năm qua. Chỉ số niềm tin kinh tế cũng bất ngờ tăng điểm.
Thu Hương