Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro
Kinh tế toàn cầu đang tiếp tục hồi phục, nhưng với nhịp độ không đồng đều và vẫn có rủi ro xấu đi. Tiếp tục các nỗ lực chính sách sẽ là chìa khóa để kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh hơn.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa thu năm 2014 diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/9 tại Ninh Bình, ông Sanjay Kalra - Đại Diện Thường Trú cho Việt Nam/Lào tại Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra những nhận định về tình hình kinh tế thế giới hiện tại và những rủi ro trong tương lai.
Theo ông, sự hồi phục toàn cầu tiếp tục diễn ra, nhưng với nhịp độ không đồng đều và vẫn có rủi ro xấu đi. Tiếp tục các nỗ lực chính sách sẽ là chìa khóa để kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh hơn.
Trong nửa đầu năm 2014, kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng. Ở nền kinh tế Mỹ xuất hiện các nhân tố xảy ra một lần như sự điều chỉnh của tích lũy tồn kho trước đây và thời tiết xấu. Trong khi đó, tăng trưởng cũng kém hơn tại một số nền kinh tế mới nổi chính, phản ánh cầu nội địa yếu hơn. Căng thẳng địa chính trị tại Nga cũng là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO), IMF đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng 3,4% cho năm 2014 và 4% cho năm 2015.
Các chỉ số chính cho thấy có hồi phục nhưng không đủ mạnh để hoàn toàn bù đắp cho tăng trưởng yếu trong quý đầu.
Nhìn chung các nhân tố chính hỗ trợ tăng trưởng vẫn còn. Chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng tại các nền kinh tế phát triển chủ chốt. Các điều kiện trên thị trường tài chính cũng hỗ trợ, như chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ thấp hơn tại các nền kinh tế phát triển có các căng thẳng tài chính ở khu vực đồng Euro. Củng cố tài khóa sẽ giảm đi rõ trong năm 2014-15, đồng thời tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng lên do nhu cầu bên ngoài cao hơn.
Ông Sanjay Kalra nhận định kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Những rủi ro trước mắt bao gồm rủi ro địa chính trị, trong đó bao hàm cả rủi ro của giá dầu tăng. Tại các thị trường tài chính, có sự rủi ro khi các lãi suất dài hạn của Mỹ tăng mạnh hoặc sự đảo chiều đột ngột trong việc giảm lợi tức và các luồng vốn vào các thị trường mới nổi.
Những lan truyền thực từ các điều kiện tài chính xấu đi ở các nền kinh tế mới nổi và lạm phát thấp hoặc giảm giá tại khu vực đồng Euro cũng là những rủi ro trước mắt.
Những rủi ro dài hạn bao gồm đình trệ tại các nền kinh tế phát triển chủ yếu và tăng trưởng thấp hơn trung bình tại nhiều nền kinh tế mới nổi chính.
Tóm lại, thế giới cần nỗ lực mạnh hơn ở mọi nơi để có tăng trưởng toàn cầu mạnh hơn. Đối với các nền kinh tế phát triển, lời khuyên là nên duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với sự bình thường hóa ở tốc độ khác nhau, thực hiện chính sách cân đối tài khóa giữa tăng trưởng ngắn và trung hạn, hoàn tất các cải cách quy chế tài chính và phát triển và tăng cường các biện pháp an toàn vĩ mô (Macroprudential).
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần thực hiện các bước: kiểm soát được các biến động và hạn chế những rủi ro bên ngoài, cho phép tỷ giá hối đoái điều chỉnh với các cú sốc bên ngoài. Một số nước cần hạn chế các mất cân đối tài khóa và áp lực lạm phát
Tất cả các nước cần đẩy mạnh các cải cách cơ cấu để tăng năng suất , xử lý những hạn chế về cơ sở hạ tầng, tăng mức tăng trưởng tiềm năng và/hoặc làm cho tăng trưởng bền vững hơn.
Thu Hương