Kinh tế toàn cầu vẫn biến động, châu Á cần làm gì?
Tăng cường hội nhập khu vực sẽ giúp các nước châu Á đang phát triển đạt hiệu quả và hiệu suất cao hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục biến động, ADB khuyến nghị.
- 23-10-2013"Nợ của các hộ gia đình châu Á lên đến đỉnh điểm"
- 02-10-2013ADB: Khủng hoảng châu Á 1997 – 1998 sẽ không lặp lại
- 24-09-2013Châu Á gặp rủi ro vì lảng tránh những điều không thể tránh
Theo báo cáo "Theo dõi hội nhập kinh tế châu Á" vừa được ADB công bố sáng nay (24/10), các chính phủ châu Á cần tiến hành những hành động ở cấp quốc gia cũng như ở cấp khu vực để khai thác tối đa những lợi ích của các sáng kiến hội nhập như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và để có một vị thế vững vàng trước những biến động đang diễn ra của kinh tế toàn cầu.
“Tăng cường hội nhập khu vực sẽ giúp các nước châu Á đang phát triển đạt được hiệu quả và hiệu suất cao hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục biến động. Để thực hiện điều đó và tránh thành nạn nhân của áp lực bảo hộ trong nước, các chính phủ cần hành động ngay, phê chuẩn, triển khai và thực thi các hiệp định khu vực”, ông Iwan J.Azis, Trưởng văn phòng Hội nhập kinh tế khu vực của ADB, nói.
Báo cáo của ADB cho biết, châu Á gần đây đã chứng kiến những tiến bộ khác nhau trong hội nhập và hợp tác khu vực, trong bối cảnh môi trường tài chính và kinh tế có sự biến đổi. Trao đổi thương mại và dòng vốn giữa các nước đã chậm lại, mặc dù có những cải thiện trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, mua bán trái phiếu, tín dụng ngân hàng và du lịch.
Quá trình hướng đến AEC đang tiến lên vững chắc nhưng với tốc độ chậm. Theo báo cáo, khu vực cần cố gắng hơn nữa giải quyết những rào cản đối với thương mại, trong những lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp, sắt thép và xe hơi, cũng như giảm bớt những rào cản phi thuế quan đang ngày càng thay thế những biện pháp thuế quan trong việc gây trở ngại đối với thương mại quốc tế.
Tất cả những lĩnh vực khó khăn, như tự do hóa thương mại dịch vụ hay ban hành những chính sách cạnh tranh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi những hành động ở cấp độ quốc gia, hơn là những hành động cấp khu vực. Với những việc như vậy, mốc 2015 là một thời điểm bước ngoặt chứ không phải là đích đến cho việc thực hiện toàn bộ những mục tiêu của AEC mà ASEAN đã đề ra.
Báo cáo cho rằng cần tiếp tục thực hiện những công việc sau năm 2015, đặc biệt là việc tăng cường khả năng dịch chuyển của lao động để những người lao động có kỹ năng, cũng như không có kỹ năng có thể dịch chuyển dễ dàng hơn giữa các nước. Khả năng dịch chuyển dễ dàng hơn của lao động, sẽ cho phép khu vực tận dụng tối đa những lợi ích của tất cả các cải cách khác đem lại.
Ngoài ra, cũng cần phải giải quyết những trở ngại khác đối với thương mại như các loại phí, thủ tục hải quan rườm rà và tài chính thương mại. Giải quyết những vấn đề này sẽ đem lại những lợi ích thương mại lớn. Cứ giảm được 1% chi phí giao dịch liên quan đến thương mại sẽ giúp tăng thêm 43 tỷ USD lợi ích cho toàn cầu.
Những hành động ở cấp độ quốc gia kết hợp với một hiệp định đa phương về thuận lợi hóa thương mại dự kiến được ký tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới tổ chức tại Indonesia từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 12 sẽ là những yếu tố chủ chốt để đạt được những lợi ích này.
Báo cáo cho rằng hợp tác khu vực có thể giải quyết những vấn đề bấp bênh về kinh tế và các thách thức xuyên quốc gia khác như biến đổi khí hậu, y tế và tranh chấp lãnh thổ. Điều này có thể đạt được thông qua tăng cường đối thoại chính sách, củng cố các thể chế khu vực, cải thiện liên kết giao thông, làm sâu sắc hơn những thị trường vốn trong khu vực và hệ thống bảo vệ an ninh tài chính.
Các nền kinh tế cũng cần tỉnh táo trước những rủi ro tăng lên từ việc đi vay của các ngân hàng Nhật Bản và Australia trong bối cảnh quy mô và xu hướng của những dòng vốn tín dụng ngân hàng trong khu vực, đặc biệt khi những ngân hàng này đã thay thế các nhà băng châu Âu, trong việc cung cấp một lượng vốn đáng kể cho nhu cầu của khu vực sau cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng Euro.
Theo Thanh Hải