MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là bạn hay là thù?

17-04-2014 - 15:16 PM | Tài chính quốc tế

Bài viết này giải thích tại sao chính phủ và doanh nghiệp lại cần đến nhau.

Mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia và chính phủ các nước là mối quan hệ như thế nào? Làm cách nào để phát triển mối quan hệ này sao cho cả hai bên cùng có lợi? Đó chính là chủ đề của báo cáo đặc biệt được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist thực hiện mà chúng tôi xin lược dịch và mong muốn giới thiệu tới bạn đọc.

Mối quan hệ luôn thay đổi

Dưới chế độ phong kiến thời Trung cổ, mọi người đều có ý thức về địa vị trong xã hội và hiếm khi vượt qua ranh giới. Nông dân trung thành với điền chủ, điền chủ trung thành với quý tộc, quý tộc trung thành với nhà vua. Tuy vậy, khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nước xuất hiện nhiều rạn nứt. Thế kỷ 19 được coi là kỷ nguyên của kinh tế tự do (Laissez-faire). 

Đến thế kỷ 20, hai cuộc chiến tranh thế giới yêu cầu nhà nước kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế. Cùng với sự thịnh hành của nền dân chủ sau năm 1945, vai trò của khu vực tư nhân dần bị suy giảm, nhất là ở châu Âu. Sau năm 1980, khi nền kinh tế được tự do hóa trở lại, nhà nước lại thay đổi vai trò; các ngành công nghiệp vốn bị quốc hữu hóa được mở cửa tự do cho khu vực tư nhân.

Trong những năm gần đây, xuất hiện ba nhân tố mới một lần nữa làm thay đổi mối quan hệ này. Nhân tố đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Cuộc khủng hoảng này đã làm suy yếu lập luận cho rằng một thị trường tự do hoàn toàn có khả năng tự chuyển đổi và phục hồi. Một loạt các chính sách thắt lưng buộc bụng được thực thi trong thời gian dài đã làm gia tăng mối lo ngại của các cử tri, khiến họ dễ dàng ủng hộ chủ nghĩa dân túy bất kể thuộc đảng phái cánh tả hay cánh hữu.

Nhân tố thứ hai là sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, giúp doanh nghiệp và chính phủ dễ dàng thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân. Nguồn dữ liệu này được chính phủ tận dụng chủ yếu trong xây dựng chính sách và các dự án chống khủng bố. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần quản lý chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thông tin cá nhân từ các công ty.

Nhân tố cuối cùng là tác động liên tục của toàn cầu hóa. Điều này cho phép các công ty đa quốc gia tự do tiếp cận các thị trường khác nhau trên toàn thế giới. Tuy vậy, nó cũng đồng nghĩa với việc các công ty phương Tây phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các “người khổng lồ” đến từ các thị trường mới nổi – nơi có sự tham gia ủng hộ hùng hậu từ chính phủ. Nếu chính phủ các nước giàu chèn ép doanh nghiệp quá mức, họ sẽ tìm cách dịch chuyển trụ sở tới các thị trường mới nổi thông thoáng hơn. Do vậy càng không thể khắc phục được tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng.

Có một ranh giới khá mong manh giữa việc tạo ra một thị trường sôi động giúp các công ty phát triển thuận lợi và việc “quan tâm” quá mức làm suy giảm tính cạnh tranh của thị trường đó. Trong những năm gần đây, chính phủ các nước phát triển tỏ ra miễn cưỡng khi đưa ra các biện pháp kém hiệu quả; nguyên nhân được cho là tầm nhìn thiếu tính chiến lược. Chính sách quản lý chi ly đã gây ra nhiều sự can thiệp không cần thiết vào các ngành công nghiệp đặc thù và các hoạt động thương mại. 

Đừng vội thay đổi

Điều cần thiết nhất đối với các lãnh đạo doanh nghiệp là sự nhất quán. Ví dụ, khi đầu tư một dự án kéo dài 15 năm; họ muốn được đảm bảo rằng các khoản thuế và chính sách sẽ không thay đổi từ thời điểm bắt đầu cho tới cuối dự án. Việc thay đổi liên tục các chính sách chỉ đem lại sự mất ổn định và ngăn cản việc đầu tư.

Sự cạnh tranh không ngừng giữa các chính trị gia cũng làm gia tăng các cuộc vận động hành lang, trong đó người chiến thắng không phải công ty tốt nhất mà là công ty có mối quan hệ với chính phủ tốt nhất. Một khi tham gia vào cuộc đua này, doanh nghiệp phải theo tới cùng. Công chúng có xu hướng tin rằng cuộc chạy đua chỉ mang lại lợi ích cho những người trong cuộc, từ đó gia tăng sự bất bình với các công ty. Để giảm thiểu các hoạt động vận động hành lang, chính phủ nên xây dựng một khung luật cơ bản với mức thuế rõ ràng và tránh các qui định quá vụn vặt.

Trong tương lai gần, chính sách đánh thuế trên lợi nhuận sẽ tiếp tục được sử dụng. Tuy vậy các nhân tố khác như sự cạnh tranh đa quốc gia, sự thay đổi nhanh chóng cấu trúc doanh nghiệp, các mối quan hệ tư nhân – nhà nước… sẽ gây áp lực đáng kể lên mức thuế suất này. Doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để giảm thiểu tối đa khoản thuế phải nộp. Nhưng tại thời điểm các cử tri cũng rơi vào tình trạng khó khăn; các doanh nghiệp sáng suốt đều nhận ra rằng việc tránh thuế chỉ làm tổn hại đến danh tiếng công ty. Chính phủ nên tập trung hơn vào thuế thu nhập và thuế tiêu dùng, các khoản này thường được quản lý khá dễ dàng và minh bạch. Trọng điểm của chính phủ không phải tối đa hóa doanh thu thuế, mà là làm sao để thu được nhiều thuế nhất với chi phí bỏ ra ít nhất. 

Khu vực khó dự báo nhất là công nghệ. Trong 20 năm gần đây, các công ty công nghệ lớn đã có những bước nhảy ngoạn mục từ con số 0; ví dụ như Facebook đã tạo ra một mạng xã hội rộng lớn, có xu hướng vượt trội thế giới thực. Sự phát triển của thương mại điện tử và việc tạo ra các đơn vị tiền tệ điện tử như Bitcoin đã gợi lên giấc mơ về một thị trường tự do nằm ngoài sự quản lý của nhà nước.

Trong khi đó, sự phổ biến của hệ thống thông tin liên lạc giao tiếp trực tuyến như Twitter đã tạo ra thách thức mới cho doanh nghiệp. Ví dụ như tin tức về sản phẩm bị lỗi hay dịch vụ khách hàng yếu kém có thể truyền đi vòng quanh thế giới chỉ trong vài phút đồng hồ. 

Toàn cầu hóa sẽ vẫn là một động lực đa chiều. Chính phủ có thể bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch trụ sở hoạt động của các công ty trên phạm vi toàn cầu; sự gia tăng cạnh tranh của nhiều đối thủ mới gây áp lực lên doanh nghiệp; nhu cầu tiêu dùng thay đổi và thậm chí bất ổn chính trị.

Không chỉ chính phủ mà doanh nghiệp đều phải đối mặt với các nguy cơ dài hạn này. Ở các nước phát triển, doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường mới nổi – phần lớn là các công ty nhà nước hay ít nhất được nhà nước góp vốn và ủng hộ. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng diễn ra nhanh hơn ở các thị trường mới nổi, đây cũng là nhân tố thu đầu tư từ các công ty đa quốc gia. Nếu chính phủ các nước giàu thắt chặt nền kinh tế nội địa quá mức, họ sẽ làm giảm nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, nếu các công ty lớn biết tận dụng cơ hội đầu tư ở các nước đang phát triển, họ có thể thu được lợi nhuận dồi dào; điều này giúp cải thiện tình trạng dân số già và giải ngân vốn tích lũy.

Các nhà lãnh đạo từ phía chính phủ và doanh nghiệp cần đạt chung nhận thức: mối quan hệ đối kháng sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Chính phủ chịu thiệt hại nếu doanh nghiệp không thoải mái khi hoạt động tại nước họ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nếu xảy ra bất ổn chính trị. Chính phủ cần thảo luận khung chính sách hoàn chỉnh, đưa ra mức thuế hợp lý, xây dựng hệ thống giáo dục giúp đào tạo nhân công có trình độ cao – hơn là áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp quá chi ly và can thiệp không cần thiết. Về phía doanh nghiệp, nếu họ cố tình tiếp cận các biện pháp tránh thuế, họ cũng gián tiếp xa lánh khách hàng và làm suy yếu các hoạt động trong cộng đồng. Tại thời điểm các nước giàu đang tìm mọi cách để vực lại đà tăng trưởng của nền kinh tế, chính phủ và doanh nghiệp cần xác định một thực tế rõ ràng: họ là đối tác chứ không phải kẻ thù. 

Thảo Phương

huongnt

Economist

Trở lên trên