MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên hiệp quốc cảnh báo đưa Kim Jong Un ra tòa

18-02-2014 - 10:28 AM | Tài chính quốc tế

Cảnh báo công khai mà Liên hiệp quốc vừa dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên là chưa từng có tiền lệ.

Liên hiệp quốc vừa lên tiếng cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể phải đối mặt với công lý quốc tế vì các hành vi có hệ thống ra lệnh đánh đập, bỏ đói người khác, và giết người hàng loạt ở mức gần bị xem là tội diệt chủng.

Theo tin từ Reuters, cảnh báo trên vừa được các nhà điều tra thuộc Ủy ban Điều tra của Liên hiệp quốc đưa ra ngày 17/2. Các nhà điều tra cho biết đã gửi cho ông Kim một lá thư trong đó nói rằng, họ sẽ đề nghị Liên hiệp quốc đưa Triều Tiên lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) để đảm bảo rằng, bất kỳ kẻ phạm tội nào, bao gồm cả ông Kim Jong Un, phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Phản ứng trước lá thư trên, Triều Tiên tuyên bố phủ nhận “dứt khoát và toàn bộ” bản báo cáo của Liên hiệp quốc, coi đây là “một sản phẩm của việc chính trị hóa các vấn đề nhân quyền, một phần trong sự liên minh của châu Âu và Nhật Bản với chính sách thù địch của nước Mỹ” nhằm vào Bình Nhưỡng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục có phản ứng mạnh mẽ tới cùng trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chế độ và những áp lực núp dưới cái bóng ‘bảo vệ nhân quyền’”, phái đoàn ngoại giao của Triều Tiên tại Geneva, Thụy Sỹ, viết trong một tuyên bố gửi tới Reuters.

Cảnh báo công khai mà Liên hiệp quốc vừa dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên là chưa từng có tiền lệ. Giới quan sát cho rằng, cảnh báo này có thể cản trở những nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và chính sách đối đầu quyết liệt với Hàn Quốc và phương Tây.

Các điều tra viên của Liên hiệp quốc cũng cho biết đã nói với Trung Quốc - đồng minh chủ chốt của Triều Tiên - về việc nước này có thể đang “hỗ trợ và tiếp tay cho tội ác chống lại nhân loại” khi đẩy những người Triều Tiên nhập cư và bỏ trốn sang Trung Quốc trở lại đất nước, nơi họ có thể bị đánh đập và xử tử. Các quan chức Trung Quốc cũng đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc này.

Theo một số nguồn tin ngoại giao, khả năng Triều Tiên bị đưa lên ICC là rất thấp, bởi Trung Quốc có thể phủ quyết bất kỳ động thái nào như vậy của các cường quốc phương Tây tại Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nói về khả năng thành lập một tòa án đặc biệt nào đó dành cho Triều Tiên.

“Chúng tôi đã thu thập tất cả các chứng cứ và không thể dừng lại đợi 10 năm nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc này”, một nguồn tin từ Liên hiệp quốc nói.

Ông Michael Kirby, Chủ tịch Ủy ban Điều tra của Liên hiệp quốc, tiết lộ với Reuters rằng, các điều tra viên đã soạn một bản báo cáo dài 372 trang về các tội ác ở Triều Tiên. Theo ông Kirby, những tội ác mà bản báo cáo đưa ra rất giống với những tội ác mà Đức quốc xã đã gây ra trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai. “Một số tội ác giống nhau đến bất ngờ”, ông Kirby nói.

“Bằng chứng là những trại tù chính trị nơi nhiều người bị bỏ đói, nhiều người thậm chí đã chết đói sau đó bị thiêu xác trong những cái nồi lớn rồi đem chôn… Chính các tù nhân khác phải làm nhiệm vụ giải quyết những xác chết đó”, ông Kirby nói.

Những tội ác mà bản báo cáo đề cập đến bao gồm giết người, đánh đập, cưỡng bức, bắt cóc, biến người khác thành nô lệ, bỏ đói, và xử tử. “Mức độ, quy mô và bản chất của những sự xâm phạm này cho thấy một nhà nước không có điểm gì tương đồng với thế giới đương đại”, bản báo cáo có đoạn viết.

Trong báo cáo này, các điều tra viên cũng khuyến nghị Liên hiệp quốc trừng phạt các quan chức dân sự và tướng lĩnh quân đội Triều Tiên bị tình nghi phạm phải những tội ác nặng nhất. Bản báo cáo không đề cập tới cái tên cụ thể nào nhưng cho biết các nhà điều tra đã soạn thảo một cơ sở dữ liệu các nhân vật bị tình nghi.

12 điều tra viên thực hiện bản báo cáo cho hay, Bình Nhưỡng dùng thức ăn “như một công cụ để kiểm soát người dân” và “bỏ đói có chủ đích” để trừng trị các tù nhân. Mạng lưới giám sát phủ khắp của nhà nước Triều Tiên đàn áp tất cả những người dân bất mãn, theo báo cáo. Trong đó, người theo Công giáo bị ngược đãi còn phụ nữ bị phân biệt đối xử rất nặng nề. Những người đã bị đưa tới các trại tù không bao giờ có hy vọng được thả.

Theo An Huy

huongnt

VnEconomy

Trở lên trên