Liệu có thổi phồng quá ảnh hưởng của Trung Quốc tới kinh tế ASEAN?
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) đã cố gắng “đo lường” mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
- 12-03-2015Việc làm - Bài toán nan giải trước thềm Cộng đồng Kinh tế ASEAN
- 23-02-2015Khó khăn hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015
- 25-02-2013Đường sắt Trung Quốc - ASEAN bắt đầu hoạt động
Nội dung nổi bật:
- Báo cáo mới được USCC công bố cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tới kinh tế ASEAN không quá lớn như quan niệm lâu nay.
- vai trò của Trung Quốc về đầu tư vào ASEAN còn khiêm tốn.
Trong khi có khá nhiều bài viết về việc Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn tới kinh tế khu vực Đông Nam Á, kết quả một số cuộc khảo sát mới đây cho thấy những nhân tố đầy tham vọng để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tới khu vực này hoặc vẫn chưa diễn ra – như Con đường tơ lụa, hoặc là kết quả của những con số mĩ miều bị nghi ngờ là đã bị chỉnh sửa.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) đã cố gắng “đo lường” mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng biện pháp sử dụng các số liệu về thương mại và đầu tư. Kết quả bất ngờ, Ủy ban này đã phát hiện ra rằng các con số thực tế ít hơn nhiều so với những gì vốn vẫn được công bố rộng rãi từ trước tới nay, và rằng vẫn còn nhiều tồn tại kinh niên trong mối quan hệ về kinh tế giữa Bắc Kinh với ASEAN.
Những phát hiện của USCC về ảnh hưởng của Trung Quốc tới kinh tế ASEAN được tóm tắt như sau:
Thứ nhất, cần nhìn rộng ra để hiểu chi tiết hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc với Đông Nam Á về mặt kinh tế. Báo cáo của USCC viết, trong khi Trung Quốc luôn duy trì vị trí trong top 5 đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc ở vị thế xuất khẩu hoặc nhập khẩu, hoặc cả 2 luôn thay đổi. Nhìn chung, các nền kinh tế mạnh nhất trong khối ASEAN vẫn đa dạng hóa các đối tác thương mại, trong khi những nước kém phát triển hơn thì phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, đặc biệt là về nhập khẩu. Sự phân bổ dòng chảy xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc còn phức tạp hơn thế. Với một số quốc gia, nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng trong khi nhập từ các đối tác ASEAN khác lại giảm sút.
Thứ hai, cần chú ý đến cán cân thương mại hơn là giá trị thương mại. Từ khi Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực đầy đủ vào năm 2010 – tạo thành một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới về dân số - mậu dịch hàng hóa của ASEAN với Trung Quốc đã từ thặng dư chuyển thành thâm hụt tới 45 tỷ USD năm 2013. “Có mối quan hệ nhân – quả giữa thâm hụt thương mại của ASEAN và ACFTA”, báo cáo của USCC viết, kèm chú thích “Cần xem xét kỹ”.
Thứ ba, thực chất các vấn đề về thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc còn nhiều điểm cần bàn hơn là giá trị thương mại. Báo cáo của USCC cho biết, nguồn gốc chính trong thương mại ASEAN – Trung Quốc vẫn là hàng chế tạo – đặc biệt là máy móc và đồ điện tử. Ngoài ra còn một số trường hợp đặc biệt, như Campuchia phụ thuộc vào hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, và Indonesia và Myanmar phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để xuất khẩu hàng hóa. Báo cáo của USCC viết rằng điều này cho thấy bản chất của mối quan hệ thương mại này là Bắc Kinh đang được hưởng lợi nhiều hơn, trong khi các quốc gia Đông Nam Á bị thiệt thòi ở các lĩnh vực khác như dịch vụ chẳng hạn.
Thứ tư, ảnh hưởng về kinh tế không nên chỉ đo bằng thương mại mà phải xem xét cả về đầu tư. Mặc dù trong một số trường hợp Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng về thương mại, song vai trò của Trung Quốc về đầu tư vào ASEAN còn khiêm tốn. Theo USCC, Trung Quốc mới chỉ góp 2,3% vào tổng vốn đầu tư FDI của ASEAN trong năm 2013. Và dù có tính cả Hongkong thì Trung Quốc vẫn chưa thể được xếp vào vị trí nhà đầu tư lớn của khu vực ASEAN
Nói tóm lại, ảnh hưởng thực sự của Trung Quốc với ASEAN vẫn là những kế hoạch chưa được thực hiện mặc dù đã gây được nhiều sự chú ý, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á hay Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21.
Vân Chi