Liệu kinh tế châu Âu có “lao đao” lần nữa vì khủng hoảng Hy Lạp?
Đảng chủ trương phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp đang đứng trước cơ hội giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 25/1/2015. Điều này liệu có thể làm "chao đảo" eurozone một lần nữa?
Do không bầu được tân tổng thống, Hy Lạp sẽ phải tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn, sẽ diễn ra vào ngày 25/1/2015.
Một số chuyên gia nhận định đảng cánh tả Syriza, với chủ trương phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng,” sẽ có cơ hội giành thắng lợi. Điều này liệu có thể làm "chao đảo" Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một lần nữa?
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras ngày 29/12 cho biết cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra sớm nhất có thể, sau khi Quốc hội Hy Lạp lần thứ ba thất bại trong việc bầu tổng thống.
Trong vòng bỏ phiếu cuối cùng, ứng cử viên Stavros Dimas do liên minh cầm quyền của Thủ tướng Samaras đề cử, chỉ giành được 168 phiếu, chưa đủ 180 phiếu theo yêu cầu tối thiểu để đắc cử chức Tổng thống Hy Lạp.
Do bấp bênh trên chính trường những ngày qua, chỉ số chứng khoán của Hy Lạp sụt giảm mạnh, nền kinh tế lại một lần nữa đứng trước mối đe doạ. Thị trường chứng khoán Hy Lạp đã ngay lập tức giảm 11% sau cuộc bỏ phiếu vòng ba của Quốc hội Hy Lạp.
Trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba năm của nước này tiếp tục giảm mạnh, giá cổ phiếu của một số ngân hàng lớn Hy Lạp cũng sụt giảm từ 11-15%.
Cuộc bầu cử trên gợi nhớ thời kỳ “khốn đốn” mà “đám mây đen” nợ công Hy Lạp gây ra đối với Eurozone. Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 29/12 thông báo ngừng các cuộc đàm phán với các nhà chức trách Hy Lạp liên quan đến việc giải ngân khoản cứu trợ mới cho Athens cho tới khi nước này thành lập được chính phủ mới.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng ngày cũng cho biết sẽ chờ ý kiến của tân Chính phủ Hy Lạp về kế hoạch trợ giúp tài chính của nước này.
Từ năm 2010 cho đến nay, Hy Lạp vẫn dựa vào các khoản tiền cứu trợ của bộ ba chủ nợ quốc tế là IMF, ECB và Liên minh châu Âu (EU). Ba định chế này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD, với điều kiện nước này phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” nghiêm ngặt.
Thế nhưng những chính sách khắc khổ này khiến người dân Hy Lạp quá mệt mỏi, nên khả năng họ sẵn sàng dồn phiếu cho đảng cánh tả Syriza là điều có thể xảy ra.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ mới có 24,8%, thấp hơn so với 27,5% tỷ lệ ủng hộ liên minh cánh tả cấp tiến, liên minh này được cho là phản đối chính sách thắt chặt tài chính hiện nay.
Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Pierre Moscovici đã kêu gọi cử tri Hy Lạp ủng hộ cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, và nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách khắc khổ đối với Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cũng đã khẳng định “không có con đường nào khác” ngoài những cải cách hiện nay ở Hy Lạp.
Theo các nhà phân tích, cho tới nay, những ý định của đảng Syriza vẫn chưa rõ ràng khiến các chủ nợ càng thêm lo ngại. Đảng cánh tả này không muốn Hy Lạp ra khỏi Eurozone, nhưng đòi các chủ nợ trước hết phải giảm bớt nợ công của Hy Lạp, mà hiện đã chiếm tới 175% GDP.
Nếu không đạt được thỏa thuận này thì Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và rút khỏi Eurozone. Khả năng xảy ra kịch bản được mệnh danh “Grexit” là 30%.
Nhưng theo tin của đài RFI, cuộc khủng hoảng Hy Lạp lần này khó lan sang toàn bộ khu vực Eurozone, vì cho dù có thắng cử, đảng Syriza cũng sẽ buộc phải thay đổi lập trường cứng rắn đối với các chủ nợ.
Hơn nữa, kể từ khủng hoảng nợ công Hy Lạp lần trước, Eurozone đã thiết lập nhiều “tuyến phòng thủ”, như Cơ chế ổn định châu Âu. ECB cũng đã cam kết sẽ bằng mọi giá bảo vệ đồng tiền chung./.