MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mafia Nhật sắp đến “ngày tàn”?

15-09-2015 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Suốt nhiều thập kỷ qua, Yakuza Nhật nổi tiếng khắp thế giới với những đường lối, phong cách và tôn chỉ hoạt động rất riêng. Yakuza không chỉ có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Nhật mà còn len lỏi cả vào đời sống kinh tế và chính trị nước này.

Thời hoàng kim của Yakuza Nhật

Hiện tại ở Nhật có khoảng 21 băng nhóm tội phạm có tổ chức, hay còn gọi là Yakuza. Yakuza không hề hoạt động chui lủi. Mỗi tổ chức yakuza đều có logo, văn phòng và danh thiếp riêng. Hàng tháng, yakuza Nhật xuất bản 2 ấn bản tạp chí, trong đó cập nhật những thông tin về hoạt động của họ hoặc lời khuyên không nên sử dụng, kinh doanh các chất ma túy.

Mỗi yakuza hoạt động theo mô hình kim tự tháp, người đứng đầu được coi như “cha già” (oyabun) và những thành viên trong nhóm là “những đứa con” (kobun). Yakuza phân chia ngầm với nhau về địa bàn hoạt động của từng băng nhóm.

Thống kê của Cơ quan cảnh sát Nhật cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2010, số lượng các thành viên yakuza ở Nhật duy trì quanh mức 80 nghìn. Thế nhưng sau một số đợt truy quét của cảnh sát, số lượng yakuza giảm dần còn 60 nghìn và đến ngày nay duy trì quanh ngưỡng khoảng 40 nghìn.

Cho đến tháng 8/2015, băng Yamaguchi-gumi có trụ sở tại Kobe là băng tội phạm có tổ chức lớn nhất tại Nhật với 25.600 thành viên

Không thể phủ nhận sự thống trị không chính thức của Yamaguchi-gumi ở Nhật Bản, Yakuza nắm quyền kiểm soát ở hàng loạt công ty hợp pháp trong các lĩnh vực từ giải trí, tài chính, công nghệ thông tin cho tới bất động sản. Nhóm đã có lịch sử hoạt động hơn 100 năm, nhóm có cả trang web riêng trên đó có đăng tải một số lời kêu gọi về việc không sử dụng và kinh doanh ma túy.

Không giống với nhiều tổ chức tội phạm lớn khác trên thế giới đều kinh doanh ma túy, yakuza Nhật cho rằng kinh doanh ma túy là “dơ bẩn”, không xứng đáng với vị thế của một yakuza cao quý. Đối với yakuza, kinh doanh ma túy tồi tệ hơn rất nhiều so với mại dâm và ma túy làm suy yếu cả một dân tộc.

Theo tính toán của tạp chí danh tiếng Fortune, doanh thu ròng của yakuza Nhật trong năm 2014 đạt khoảng 80 tỷ USD, cao nhất trong làng tội phạm thế giới.

Yakuza Nhật sắp hết thời?

Trong tuần trước, cả nước Nhật choáng váng với thông tin băng Yamaguchi-gumi tuyên bố chia ra làm đôi. Cuộc khủng hoảng nội bộ băng nhóm này đã kéo dài suốt 5 năm qua, gây nhiều thương vong cho chính thành viên trong nhóm cũng như dân thường. Không ít người đặt câu hỏi: sự chia tách này có ý nghĩa thế nào với xã hội Nhật và nó cho thấy điều gì về tình trạng hiện nay của các băng nhóm yakuza?

Bài bình luận của Asahi Shimbun đăng ngay sau sự kiện chia rẽ băng nhóm khẳng định việc băng nhóm Yamaguchi – Gumi có quy mô nhỏ hơn sẽ giúp cảnh sát dễ trấn áp họ hơn, báo đồng thời kêu gọi cảnh sát tiến hành truy quét và chấm dứt vĩnh viễn hoạt động của họ.

Còn theo ông Hirotoshi Ito, một nhà báo chuyên theo dõi về thế giới ngầm ở Nhật, mâu thuẫn về quyền lợi chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của băng nhóm yakuza lớn nhất ở Nhật này: “Trước đây phải gia nhập băng nhóm thì người ta mới kiếm được tiền, nhưng nay việc tồn tại trong nhóm khiến người ta khó kiếm tiền. Bỗng nhiên thành viên của nhóm đặt câu hỏi: Làm yakuza để làm gì? Chính những suy nghĩ đó khiến nhóm tan vỡ.”

Ông đồng thời chỉ ra đợt chia tách nhóm lần này cho thấy khả năng hoạt động của các yakuza đang ngày một kém đi và họ đang phải tồn tại chật vật.

Ông Tsunehito Haga, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Security Protection Network, khẳng định yếu tố tiền và quyền lợi chi phối những thay đổi vừa qua tại tổ chức yakuza lớn nhất nước Nhật. Khi nguồn thu ngày một giảm, những thành viên ở Kobe không còn muốn chia sẻ lợi nhuận với các thành viên tại Nagoya, mâu thuẫn từ đó cứ lớn dần.

Đời sống của yakuza Nhật đang ngày một khó khăn hơn, bởi chính những chính sách mới từ chính phủ Nhật.

Thập niên 1970, 1980, yakuza Nhật tham gia vào nhiều các hoạt động đầu tư bán hợp pháp trên thị trường chứng khoán Nhật, thị trường bất động sản, thu hồi nợ, mại dâm và ngành công nghiệp giải trí.

Năm 1992, chính phủ Nhật thông qua luật phòng chống tội phạm mới, yakuza bị đẩy ra khỏi phần lớn các hoạt động trên. Từ khoảng thập niên 2000 trở lại đây, yakuza dính líu khá nhiều đến các vụ tống tiền doanh nghiệp thông qua hình thức phanh phui các hoạt động “đen” của doanh nghiệp rồi sau đó dùng thông tin để kiếm tiền.

Một số ước tính cho thấy hiện nay 1 băng nhóm yakuza Nhật với khoảng 100 thành viên mỗi tháng kiếm được khoảng 1 triệu USD sau khi trừ hết các chi phí, con số này chỉ đủ để đảm bảo cuộc sống tằn tiện cho các thành viên, khác hẳn với cuộc sống xa hoa mà họ từng được hưởng trong thời kỳ dễ làm ăn trước đây. Cuộc sống ngày một khó khăn hơn lý giải cho việc số lượng yakura tại Nhật giảm không ngừng suốt từ năm 2009.

Cảnh sát Nhật đang dùng mọi biện pháp để thu hẹp hoạt động của yakuza. Một khi đã bị coi như yakuza, sẽ không có một ngân hàng nào chấp nhận mở tài khoản, cảnh sát liên tục tiến hành truy quét để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ. Giờ đây yakuza rất khó để kiếm tiền từ những hoạt động bảo kê địa phương, các buổi gặp gỡ của doanh nghiệp hoặc trấn áp những chủ nhà cứng đầu để phục vụ cho các công ty bất động sản lớn.

Còn nhớ vào năm 1984, đợt chia tách băng nhóm tương tự đã dẫn đến các cuộc giao tranh bạo lực giữa các băng nhóm kéo dài suốt 5 năm khiến 29 người mất mạng. Lần này, cảnh sát Tokyo cũng lo sợ về khả năng tương tự, chính vì vậy những tuần gần đây, họ đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp khẩn.

Ông Tomohiko Suzuki, tác giả của nhiều cuốn sách về yakuza, khẳng định: “Chắc chắn sẽ có nhiều cuộc xung đột bạo lực. Các băng nhóm yakuza sẽ tìm đến khách hàng cũ, chủ yếu là các doanh nghiệp. Sẽ xảy ra tình trạng tranh giành khách hàng giữa nhóm cũ, nhóm mới.”

Ông khẳng định các nhóm yakuza mới sẽ không còn muốn lấy danh nghĩa yakuza nữa để tránh cảnh sát. Một số chuyên gia khác nhận định số lượng yakuza Nhật sẽ ngày càng giảm, có thể sau vài năm nữa sẽ chỉ còn khoảng 10 nghìn. Cái tên yakuza sẽ vẫn còn và nhiều người Nhật sẽ vẫn ngưỡng mộ yakuza nhưng có thể khẳng định yakuza không bao giờ có lại vị thế như trước đây.

Theo Ngọc Thúy

Trí Thức Trẻ/Cafebiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên