MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 1 tỷ USD phí luật sư, Chủ tịch AIG chưa dẹp yên được cáo buộc lừa đảo

14-06-2013 - 08:48 AM | Tài chính quốc tế

Viện công tố bang New York quyết buộc Hank Greenberg phải nhận tội gian lận kế toán.

8 năm trôi qua và hơn 1 tỷ USD phí luật sư đã thanh toán, nhưng vụ truy tố cựu Chủ tịch hãng bảo hiểm AIG Hank Greenberg vì tội gian lận kế toán vẫn chưa thể ngã ngũ. Phiên xử mới nhất vừa diễn ra vào ngày 28/5 tại tòa phúc thẩm bang New York.

Bảy thẩm phán đã lắng nghe luật sư David Boies của Greenberg và công tố viên Barbara Underwood tranh luận xem có nên đem hai vụ giao dịch mờ ám của AIG ra xét xử không.

Nếu có, phiên tòa sẽ mở trong vòng 12 tháng tới. Dù quyết định cuối cùng có là gì, vụ kiện này cũng sẽ đi vào sách giáo khoa cho mọi sinh viên trường luật.

Viên đạn đầu tiên rời nóng vào ngày 26/5/2005, khi Tổng chưởng lý bang New York Eliot Spitzer nộp đơn kiện Hank Greenberg và cựu Giám đốc Tài chính AIG Howard Smith với cáo buộc “từ những năm 1980 (có thể sớm hơn) cho tới khi Greenberg rời AIG năm 2005, bị cáo thường xuyên đưa ra những báo cáo sai lạc về tài chính kế toán.” Cả Greenberg và Smith đều nhiều lần bác bỏ cáo buộc trên.

Để đẩy giá cổ phiếu AIG vào những thời khắc then chốt, người ta nói Greenberg đã yêu cầu các trader (giao dịch viên) của AIG mua cổ phiếu chính công ty mình.

Cựu Chủ tịch kiêm CEO AIG Hank Greenberg

Khi biết tin một bộ phận chỉ làm ăn có lãi nếu được “dấu” sau các cơ cấu tài chính phức tạp nhằm mục đích né thuế, Greenberg “chỉ cười”.

Trong một giao dịch đặc biệt phức tạp vào năm 1999, thua lỗ bảo hiểm ở Brazil đã bị biến thành thua lỗ do đầu tư bình thường nhờ một công ty liên kết ở Đài Loan. “Trò” này hiệu quả đến nỗi, AIG lại dùng thêm một lần nữa vào năm 2000.

Đến tháng 9/2005, bang New York sửa lại cáo buộc, số cáo buộc giảm từ 9 xuống còn 4: gồm 2 giao dịch với công ty liên kết ở Đài Loan (sau này cũng bị bỏ) và 2 vụ hiện đang tranh tụng.

Cả hai vụ này đều nhằm biến thua lỗ ở hoạt động kinh doanh chính của AIG (bảo hiểm) thành lỗ do đầu tư (ít bị giới đầu tư “soi” hơn).

Một trong những giao dịch như thế là với đại gia tái bảo hiểm General RE nhằm tăng quỹ dự trữ trách nhiệm bảo hiểm giữa lúc các chuyên gia phân tích cổ phiếu bắt đầu lo ngại vì quỹ này liên tục giảm.

Vụ thứ hai là lần AIG dùng một công ty ma ở nước ngoài với tên CAPCO để dấu lỗ ở bộ phận bảo hiểm ô tô.

Trong quá trình kiện tụng, phe Greenberg đã nhiều lần phải nhượng bộ. Năm 2006, chính AIG đồng ý trả 1,6 tỷ USD để dàn xếp cáo buộc gian lận đối với hai giao dịch kể trên.

Trong phiên xử năm 2008, bốn quan chức cao cấp của General RE và CEO Greenberg của AIG bị tuyên phạm tội lừa đảo (dù không bị truy tố hình sự).

Dù tòa phúc thẩm hủy bỏ phán quyết kể trên năm 2011, nhưng các bị cáo sau đó đều ký thỏa thuận “hoãn truy tố”, theo đó “họ công nhận một số phần … trong giao dịch trên là lừa đảo.”

Hank Greenberg đã hai lần cố làm tòa án bác đơn kiện của phía công tố bang nhưng thất bại.

Năm 2009, ông đồng ý nộp 15 triệu USD cho Ủy ban chứng khoán và giao dịch nhằm dàn xếp hai lời buộc tội kể trên, dù không nhận tội cũng không bác bỏ cáo buộc, chỉ cam kết không vi phạm luật pháp liên bang.

Ngày 10/4, Greenberg và Smith được tòa án liên bang chấp nhận cho dàn xếp tất cả các cáo buộc của cổ đông liên quan tới hai vụ General RE và CAPCO với mức phí 115 triệu USD.

Đây có thể là tín hiệu xấu đối với Greenberg, nhưng vụ này như thế không phải là đã xong xuôi. Vụ dàn xếp với cổ đông vào tháng 4 phần nào còn có lợi cho Greenberg.

Trước đây bên công tố quả quyết vụ này phải đem ra xử mới biết được thiệt hại do hành vi của Greenberg gây ra là bao nhiêu (ước tính phải hàng tỷ USD), nhưng nay Greenberg chỉ phải dàn xếp với tiền phạt 115 triệu USD.

Phía bị hại (cổ đông) có vẽ đã thỏa mãn với số tiền dàn xếp này, nên công tố bang New York không thể đòi Greenberg nộp thêm một xu tiền phạt nào nữa.

Thay vào đó, nay mục tiêu của cơ quan này chỉ còn rất khiêm tốn: buộc Greenberg không bao giờ được tham gia ban giám đốc hay hội đồng quản trị của một công ty đại chúng, và không được làm việc trong ngành chứng khoán nữa.

Nếu bị tuyên có tội, Greenberg vẫn có thể tiếp tục làm việc trong ngành bảo hiểm. Mà chưa chắc người đàn ông năm nay đã 88 tuổi này có định làm việc tiếp hay không.

Dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng đây vẫn là một phiên xử rất quan trọng. AIG dưới thời Hank Greenberg là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới.

Công tố viên Underwood lưu ý rằng “Greenberg chưa bao giờ thừa nhận có hành vi lừa đảo, lại càng không cho rằng mình có trách nhiệm liên đới. Nếu ông ta không thừa nhận mình có tội, hoặc bị tuyên có tội, người dân New York sẽ hiểu: có thể thoát được tội lừa đảo.”

Dù chân lý thuộc về bên nào thì còn lâu mọi sự mới ngã ngũ.

Quỳnh Oanh

tuannm

The Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên